Bắc Ninh: Môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế

Là một tỉnh có sức hút đầu tư nằm trong tốp đầu cả nước, Bắc Ninh hết sức quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh.

Hằng năm, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại, trao đổi với doanh nghiệp để từ đó đổi mới, nâng tầm tư duy trong xây dựng chính sách. Đây chính là cơ sở vững chắc để năm 2019, Bắc Ninh tăng 11 bậc (năm 2018 đứng thứ 15), vươn lên thứ 4 toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và được đánh giá, xếp loại điều hành rất tốt.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp hằng năm có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay. PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố; là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, hằng năm, Bắc Ninh phối hợp với Ban Pháp chế, VCCI tổ chức hội thảo phân tích Chỉ số PCI và có kế hoạch hành động gắn với Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thu hút đầu tư FDI, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn quyết tâm hành động và thường xuyên có sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh như: Mô hình Bác sĩ doanh nghiệp; thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện; công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, cấp huyện (DDCI) hằng năm; công khai kế hoạch thanh tra trên Cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp biết; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh; xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025; phát triển dịch vụ cung ứng cho các khu công nghiệp; bước đầu liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và tỉnh để phát triển công nghiệp hỗ trợ với vai trò quan trọng của Tập đoàn Samsung. Chỉ tính riêng trong năm 2019, lãnh đạo tỉnh tổ chức 2 cuộc đối thoại, ngành Thuế, Hải quan tổ chức 4 cuộc đối thoại với doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Với những nỗ lực cải cách, sáng tạo trong điều hành, quản lý, năm 2019, Bắc Ninh tiến bộ vượt bậc, vươn lên đứng thứ 4 trên Bảng xếp hạng PCI toàn quốc với 70,79 điểm (tăng 6,29 điểm và 11 bậc so năm 2018), nằm trong nhóm 5 tỉnh có xếp loại PCI rất tốt. Đây có thể là động lực quan trọng giúp Bắc Ninh tiếp tục thực hiện những phương thức mới nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ số thành phần của PCI Bắc Ninh năm 2019: có 8/10 chỉ số tăng điểm so năm 2018 là: Tiếp cận đất đai đạt 7,55, tăng 1,16 điểm; Tính minh bạch đạt 7,02, tăng 1,17 điểm; Chi phí thời gian đạt 7,23, tăng 0,11 điểm; Chi phí không chính thức đạt 7,24, tăng 1,92 điểm; Cạnh tranh bình đẳng đạt 7,51, tăng 2,21 điểm; Tính năng động đạt 7,34, tăng 1,35 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,62, tăng 0,1 điểm; Thiết chế pháp lý đạt 7,91, tăng 1,85 điểm. 2 chỉ số giảm điểm gồm: Gia nhập thị trường đạt 6,88, giảm 0,34 điểm; Đào tạo lao động đạt 7,03, giảm 0,66 điểm.

Chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp Bắc Ninh đạt những kết quả quan trọng. Năm 2019, so với toàn quốc, Bắc Ninh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 7; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 5; giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất... Nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực giáo dục, y tế thuộc nhóm dẫn đầu. Nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và thực hiện ở mức cao so với cả nước.

Những tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 gây không ít khó khăn nhưng kinh tế quý I của Bắc Ninh khá ấn tượng với tăng trưởng đạt 5,9%; sản xuất công nghiệp tăng 8,2%; chỉ số IIP tăng 9,5%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8%; sản xuất đồ uống tăng 13,6%; dệt may tăng 37,6%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 20,6%; sản xuất sản phẩm điện tử là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất tăng 12,2%; thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 280 triệu USD; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 15 tỷ USD. Thu ngân sách đạt 31,3% dự toán năm.

Điểm nhấn quan trọng là Chỉ số PCI Bắc Ninh được nâng lên với nhiều yếu tố về môi trường kinh doanh được doanh nghiệp FDI ghi nhận như mức độ giảm chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính năng động tiên phong rất cao đã giúp tỉnh trở thành điểm sáng về thu hút FDI. Lũy kế đến hết ngày 20-4-2020, tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.566 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt trên 19,2 tỷ USD.

Bắc Ninh tiếp tục là điểm sáng về thu hút FDI.

Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong) năm 2019.

Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh thì môi trường kinh doanh của Bắc Ninh còn bộc lộ những hạn chế là khả năng thực hiện các sáng kiến cải cách của lãnh đạo tỉnh ở cấp dưới chưa triệt để. Các yếu tố minh bạch dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị điện tử hạn chế. Năng lực tương tác giữa doanh nghiệp và các sở, ban, ngành và huyện thấp. Một bộ phận cán bộ còn chưa thích ứng kịp với yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh và hiệu quả quản trị hành chính công; xuất hiện những khó khăn trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai...

Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh cho rằng: “Xét một cách tổng thể, Chỉ số PCI tỉnh Bắc Ninh cho thấy nỗ lực được ghi nhận, xu hướng cải cách là một đòi hỏi cần thiết, liên tục, những sáng kiến cần được duy trì và bổ sung hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Trong thời gian tới cần thúc đẩy các sáng kiến cải cách ở cấp sở, ngành và cấp huyện; triển khai đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-Ttg ngày 22-4-2019 về việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”.

Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, một cửa cấp xã hướng tới sự hài lòng của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối thoại với doanh nghiệp, minh bạch thông tin chung về cơ sở dữ liệu quy hoạch, chính sách để người dân và doanh nghiệp tiếp cận.

Các sở, ngành Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp thành lập Tổ công tác thường trực do Giám đốc các đơn vị và các phòng liên quan giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… theo dõi, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp; giảm thanh tra, kiểm tra; ban hành các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường như hỗ trợ đăng ký kinh doanh và các hoạt động liên quan.

Trong xu hướng phát triển kinh tế ở Bắc Ninh, đầu tư và số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, quy mô kinh tế lớn, giao dịch hành chính nhiều, hướng tới phát triển kinh tế đô thị và năm 2020 có thêm áp lực mới là phát triển kinh tế trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19. Từ đó, việc cải thiện Chỉ số PCI càng cần thiết và thực sự đã trở thành một “áp lực” thường trực cần được các cấp, các ngành đáp ứng và phát huy các sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận với các gói hỗ trợ thuận lợi nhất, để Bắc Ninh tiếp tục là “một hình mẫu” của địa phương năng động trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Baobacninh.com.vn

Chat qua zalo