EVFTA: Thời cơ vàng đã đến!

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 thì EVFTA lại giúp Việt Nam mở ra một cơ hội vàng cho xuất khẩu và đầu tư.

Hôm nay (20/5), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thảo luận. Điều này đồng nghĩa với việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội rộng mở hơn.

EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối chúng ta tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường...

EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối chúng ta tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường...

Từ cơ hội bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế do COVID-19 gây ra...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19. Cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối chúng ta tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường...

Lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được: Ngay lập tức, châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ, mà với Hoa Kỳ thì chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và Châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ. 

Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên…

Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường… cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Nói như Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu trên toàn cầu, EVFTA được đưa vào thực thi dự báo sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế nước ta.

... tới những thách thức khó lường

Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước hàng loạt thách thức, trong đó, việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật ...

Dẫu là một chuyên gia chuyên nghiên cứu về hội nhập nhưng khi bình luận về những chính sách trong EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng phải thốt lên rằng có những cam kết trong EVFTA khó tới mức, bản thân bà cũng không thể... giải nghĩa được.

Đáng nói, trong các cam kết kèm theo thì yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ cũng rất chặt chẽ, thông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam).

Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, hiện tại, hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với EVFTA cũng khá hạn chế khi có tới 40% doanh nghiệp khó cải thiện điều kiện lao động; 55% doanh nghiệp khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa… 

Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Cần thay đổi để nắm bắt thời cơ

Với hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU sẽ về mức 0% sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu tại BR-VT bày tỏ nhiều kỳ vọng vào việc sẽ mở rộng hơn nữa thị trường. Chờ đợi EVFTA có hiệu lực vào lúc này không ai khác là các doanh nghiệp thuộc những ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, thủy sản, điện tử…

Nói như ông Huỳnh Minh Tường - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho biết, EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội lớn. Khi Hiệp định có hiệu lực, cộng với quá trình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ tạo nên sự cộng hưởng theo chiều hướng thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Bởi khi đó, thuế suất của nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU sẽ về 0%, sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Riêng với Baseafood, để đón đầu cơ hội này, từ năm 2019, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất”, ông Tường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng các cam kết, quy định trong EVFTA sẽ dẫn đến sự thay đổi về pháp luật của Việt Nam. Điều này dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải chịu thêm các chi phí tuân thủ. “Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chấp nhận những chi phí như vậy để thay đổi và tận dụng cơ hội”, bà Trang cho hay.

Theo bà Bùi Thị Dung - Giám đốc Sở Công thương, 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tại BR-VT vào thị trường EU đạt 41,98 triệu USD, chiếm 2,36% tỷ trọng xuất khẩu. Dù tỷ trọng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào thị trường EU còn khiêm tốn nhưng tiềm năng phát triển trong tương lai là rất lớn.

Để giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp về cải cách hành chính, môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thủ tục xuất khẩu; hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu.

Tỉnh đã thông qua đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế về thuế suất ưu đãi cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường châu Âu mà Hiệp định EVFTA mang lại”, bà Dung nói.

Nguồn: enternews.vn

Chat qua zalo