Nhiều dư địa phát triển bất động sản công nghiệp miền Trung

Thời gian 3 quý vừa qua được xem là giai đoạn hết sức ảm đạm với thị trường bất động sản nói chung tại miền Trung. Trong đó, quý II và quý III là thời gian mà hầu như các địa phương đều rơi vào cảnh “đóng băng” hoạt động giao dịch bất động sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy vậy, thị trường miền Trung vẫn le lói điểm sáng với phân khúc bất động sản công nghiệp, khi xuất hiện những dự án mới hứa hẹn cung cấp thêm nhiều sản phẩm cho bất động sản công nghiệp. Đó là Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (Nghệ An), Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú (Quảng Trị), Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (liên doanh giữa Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation)…

Cùng với đó, các khu công nghiệp lớn hiện hữu như VSIP Quảng Ngãi, Khu công nghệ cao Đà Nẵng hay Khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô Thaco Trường Hải Quảng Nam vẫn đang thu hút nhiều dự án thứ cấp và nhà đầu tư thứ cấp.

Hiện nay, Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nên đây là thời điểm thuận lợi để bất động sản công nghiệp miền Trung có thể phát triển.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, đã có 7 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, trong đó gần nhất là Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Tập đoàn Fujikin, với tổng mức đầu tư 35 triệu USD.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu Chi nhánh Đà Nẵng - chủ đầu tư Dự án Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - Đà Nẵng (tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng) cho biết, hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài có ý định thuê nhà xưởng của Công ty để triển khai các dự án tại Khu công nghệ cao. Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài vào thuê. “Nhiều nhà đầu tư khác vẫn đang quan tâm, nhưng do dịch bệnh, nên chưa thể làm việc trực tiếp”, ông Hiếu nói.

Tại Quảng Bình, tỉnh này cũng đang xem xét để trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) của Công ty cổ phần Bất động sản Capella (Capella Land). Dự án có diện tích trên 453 ha, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, Dự án sẽ được quy hoạch theo hướng hiện đại, xanh, sạch, thu hút các nhà đầu tư sản xuất điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng, các ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ…, tạo việc làm cho 30.000 - 50.000 lao động địa phương.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc phục hồi sớm nhất, với tỷ lệ lấp đầy sẽ tiếp tục duy trì như trong quý III/2021. Với Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành phố khác, thị trường sẽ xuất hiện thêm các dự án bất động sản công nghiệp quy mô lớn trong thời gian tới.

Với ưu thế lớn về giá đất và quỹ đất, hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi, chi phí lao động rẻ hơn so với 2 đầu đất nước, kết hợp với làn sóng đầu tư ngày càng tăng lên tại khu vực, chắc chắn, bất động sản công nghiệp miền Trung sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Chat qua zalo