Nhiều nước tung các gói hỗ trợ người lao động và tiếp sức cho nền kinh tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thực hiện những bước đi quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế chống lại tác động của sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 và thảo luận về việc cắt giảm thuế tiền lương vào ngày 10-3.

Cụ thể ông Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đề nghị Quốc hội thông qua việc cắt giảm thuế với thu nhập từ lương và hỗ trợ cho những người lao động làm việc theo giờ nhằm đối phó với sự suy giảm kinh tế do tác động của corona.

Mỹ đã phê duyệt 8,3 tỉ USD vào tuần trước và đang xây dựng các dự luật mới để có thể huy động thêm tiền cho công tác này để hỗ trợ người dân tiếp tục có nước dùng ngay cả khi họ không thể trả hóa đơn tiền nước.

Ngoài ra là chi trả bảo hiểm thất nghiệp, ngày nghỉ ốm được trả lương và cấp thực phẩm cho học sinh nghèo phải dựa vào chương trình dinh dưỡng học đường khi trường học đóng cửa.

Nhiều nước tung các gói hỗ trợ người lao động và tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Người dân mua sắm ở khu phố Trung Quốc ở San Francisco, Mỹ 

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow và những người khác cũng vận động cho các khoản miễn thuế đặc biệt, các khoản vay hoặc trợ cấp trực tiếp cho một số ngành hoặc lĩnh vực nhất định gặp khó khăn.

Theo Reuters, bỏ thuế tiền lương có thể khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng, giúp các hộ gia đình trả tiền thuê nhà, trả góp đúng hạn hoặc trả hóa đơn y tế do bị giảm thu nhập vì giảm giờ làm do dịch COVID-19.

Tại Đức, liên minh cầm quyền ở Đức gồm Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã thông qua một số biện pháp khẩn cấp để hạn chế hậu quả do dịch bệnh corona gây ra đối với các doanh nghiệp, giúp các công ty tránh bị phá sản cũng như công nhân không bị mất việc làm.

Các biện pháp đưa ra gồm: giảm thời gian làm việc bắt buộc nếu có 10% số lao động trong công ty có nguy cơ mất việc (quy định trước đây là 1/3). Cơ quan Lao động liên bang sẽ hỗ trợ trả 60% lương ròng cho người lao động cho khoảng thời gian bị giảm công việc, cũng như hỗ trợ các khoản đóng góp xã hội cho số giờ bị giảm.

Chính phủ Đức sẽ hỗ trợ thanh khoản, bảo lãnh và mở rộng khả năng giảm thuế cho các công ty bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19.

Nhiều nước tung các gói hỗ trợ người lao động và tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 3.

Người đi mua sắm ở một khu phố Trung Hoa ở Yokohama, Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản ngày 10-3, thông báo một loạt các biện pháp tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết chính phủ sẽ khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay, trị giá khoảng 270 tỉ yên (2,62 tỉ USD), cho các gói hỗ trợ cho nhiều đối tượng như phụ huynh phải nghỉ làm để quản lý con cái do trường học đóng cửa, tăng cường cho các cơ sở y tế và tập trung vào những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Singapore đã công bố gói hỗ trợ 4 tỉ USD trong các tháng tới cho người lao động và các doanh nghiệp. Cụ thể, chương trình hỗ trợ việc làm sẽ giúp các doanh nghiệp có tiền để giữ người lao động.

Nhiều nước tung các gói hỗ trợ người lao động và tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 4.

Du khách tại sân bay Changi, Singapore 

Để giúp các doanh nghiệp đang thiếu tiền mặt, Singapore đã thông báo giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và một loạt các biện pháp về thuế doanh nghiệp khác trong thời gian một năm.

Để hỗ trợ người thuê nhà ở các mặt bằng do chính phủ quản lý, các phương án trả tiền thuê linh hoạt sẽ được đưa ra.

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 9-3 cảnh báo dịch COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mà còn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn: tuoitre.vn

Chat qua zalo