Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA “mở ra chân trời” phát triển cho BĐS Việt Nam
Ngày:15/06/2020 11:29:04 SA
Ngày 8/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA - hai văn kiện quan trọng này sẽ mở ra chân trời mới hợp tác toàn diện Việt Nam - EU và giúp nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu về sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định “Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau”. Theo đó, Các doanh nghiệp EU có thể tiếp cận thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam. Ngược lại, người Việt có cơ hội tiêu thụ các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, khi có thể hình thành nên các trung tâm mua sắm miễn thuế, bảo trợ lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia Châu Âu với Việt Nam.
Đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA và EVIPA đến thị trường bất động sản Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU tác động tích cực toàn diện đến thị trường bất động sản của Việt Nam. Tuy nhiên, 3 phân khúc được hưởng lợi nhiều nhất và dự báo sẽ bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới phải kể đến là bất động sản công nghiệp, văn phòng và nhà ở.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ gỡ bỏ 99% thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa xuất - nhập khẩu từ EU, mở ra một thị trường rộng lớn cho việc trao đổi hàng hóa, thương mại, mở rộng đầu tư, giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam. Khi doanh nghiệp vào đầu tư, họ cần có mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng chuyển dịch địa bàn sản xuất của các tập đoàn quốc tế.
Khi bất động sản công nghiệp phát triển sẽ kéo theo làn sóng nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam làm việc và sinh sống. Đây là yếu tố thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ cho phân khúc bất động sản văn phòng, nhà ở cao cấp, đặc biệt là ở những khu vực đang được quy hoạch các trung tâm tài chính, trục phát triển kinh tế như khu vực quy hoạch thành phố phía Đông trong TP.HCM hay trục Nhật Tân - Nội Bài tại Hà Nội.
Quan sát thực tế cho thấy, thị trường đang hình thành làn sóng các đại gia bất động sản đang cấp tập đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp để đón đầu cơ hội từ Hiệp định EVFTA và EVIPA. Tuy nhiên, phân khúc bất động sản văn phòng với những trung tâm tài chính thông minh hiện đang còn thiếu hụt trên bản đồ bất động sản Việt Nam, đặc biệt là thiếu vắng những dự án lớn ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, lĩnh hội tinh hoa thế giới về kiến trúc thời thượng ở các thành phố tiên tiến, thấu hiểu giá trị sống mà cộng đồng cư dân văn minh đang mong muốn, tiêu chuẩn về một không gian sống, tận hưởng và nghỉ dưỡng của xã hội ưu tú hiện đại kỳ vọng...
Để nắm bắt được vận hội này, hơn lúc nào hết, các tập đoàn bất động sản Việt Nam nhận thức được rằng cần phải thay đổi những lối tư duy cũ trong việc kiến tạo các công trình, chớp thời cơ, lĩnh hội những giá trị mang tính toàn cầu để nâng tầm bất động sản Việt Nam. Chỉ có bằng cách này, Việt Nam mới có thể kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế, níu chân cộng đồng cư dân ngoại quốc cũng như làm hài lòng tầng lớp thượng lưu trong nước có nhu cầu tìm nơi ở đẳng cấp. Thêm vào đó, Tập đoàn bất động sản Việt không chỉ cần học hỏi những ưu điểm về mặt xây dựng, thiết kế mà còn nâng cao kỹ năng vận hành, quản lý các công trình, từ đó, tạo ra những dự án tầm cỡ mới, tạo dựng những giá trị vượt trội, vươn ra ngoài ranh giới quốc gia, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe nhất theo quy chuẩn quốc tế.
Có thể nói, Hiệp định EVFTA và EVIPA đã trở thành “bệ phóng” làm tăng sức hấp dẫn cũng như giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà phát triển bất động sản trong nước “vươn ra biển lớn”.