Trung Quốc đặt cược canh bạc ngoại giao vaccine Covid-19

Các chuyên gia nhận định thực trạng vaccine Trung Quốc hiệu quả thấp sẽ làm giảm thành quả trong canh bạc ngoại giao vaccine.

"Trung Quốc đã chấp nhận rủi ro khi đặt chiến lược ngoại giao vaccine của mình trong vị thế đối đầu với chính sách vaccine mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc mà Mỹ và nhiều nước khác theo đuổi", David P. Fidler, chuyên gia cấp cao về các vấn đề sức khỏe toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), trả lời VnExpress.

Rủi ro mà Trung Quốc chấp nhận vừa liên quan đến khả năng đáp ứng đủ số lượng vaccine đã cam kết hỗ trợ trên khắp thế giới, vừa là câu chuyện hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm nCoV.

Các chuyên gia tại Chile đã phát hiện mũi tiêm đầu tiên của Sinovac chỉ mang lại hiệu quả khoảng 16% trong ngăn ngừa lây nhiễm nCoV. Khả năng ngừa bệnh Covid-19 sau mũi tiêm thứ hai là 67%. Khoảng hai tuần sau khi tiêm đủ hai mũi Sinovac, khả năng ngừa nguy cơ tử vong khi nhiễm virus tăng lên 80%. Kết luận khoa học dựa trên kết quả nghiên cứu với khoảng 10,5 triệu người đã nhận một hoặc hai mũi tiêm của Sinovac.

Tỉ lệ ngừa bệnh nặng của Sinovac thấp hơn nhiều so với vaccine do Pfizer và BioNTech hợp tác nghiên cứu. Đánh giá được công bố vào tháng 2 trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy một mũi Pfizier/BioNTech có hiệu quả ngăn xuất hiện triệu chứng đến 85% trong 15-28 ngày sau khi tiêm. Mẫu nghiên cứu có quy mô nhỏ hơn với khoảng 9.000 người tại Israel. Các nhà khoa học cũng nhận thấy hiệu lực của vaccine kéo dài đến 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai với tỷ lệ 91,3%.

Chile trở thành câu chuyện cảnh giác cho nhiều quốc gia như Brazil, Colombia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Indonesia. Chính phủ những nước này đã khởi động chương trình vaccine Covid-19 toàn quốc có sử dụng vaccine Sinovac.

Trong một bài bình luận trên Nikkei Asia, các chuyên gia Yanzhong Huang và Samantha Kiernan của CFR lưu ý vaccine Trung Quốc được triển khai rộng rãi tại Chile và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhưng số ca nhiễm nCoV vẫn tăng hoặc tỷ lệ không giảm.

"Với một số quốc gia đang chống chọi trước các đợt bùng phát nguy hiểm hơn hoặc biến chủng mới dễ lây nhiễm hơn, những hoài nghi này đủ để họ tránh xa vaccine Trung Quốc, làm phai nhạt thành quả ngoại giao", các chuyên gia nhận định.

David P. Fidler phân tích chiến lược của Bắc Kinh nhắm đến hai mục tiêu cơ bản: Trung Quốc muốn hướng cộng đồng quốc tế khỏi những tranh cãi chính trị về những biện pháp ứng phó đầu tiên khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Vũ Hán vào năm 2019 và xúc tiến những lợi ích chính sách đối ngoại cả trong lẫn ngoài châu Á, tranh thủ thời cơ khi Mỹ cùng nhiều cường quốc ứng phó thiếu hiệu quả.

"Khi theo đuổi mục tiêu chính trị và địa chính trị, Trung Quốc đã không minh bạch hóa về độ an toàn và hiệu quả của những loại vaccine được họ dùng cho ngoại giao. Như vậy, Trung Quốc đã chấp nhận rủi ro khi thực hiện ngoại giao vaccine mà không cho phép các chuyên gia nước ngoài đánh giá", ông nói.

Tuy nhiên, theo Fidler, việc vaccine do Trung Quốc phát triển không hiệu quả bằng vaccine do phương Tây phát triển nhìn chung "không đe dọa an ninh y tế toàn cầu". Thực tế là nhiều nước nhận vaccine Trung Quốc đã không thể tiếp cận vaccine do phương Tây phát triển. Ông giả sử một loại vaccine bất kỳ từ Trung Quốc "dù chỉ hiệu quả khoảng 50% cũng có thể đóng góp phần nào cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại một nước", đặc biệt khi nước tiếp nhận không thể tìm đến vaccine có hiệu quả cao hơn.

"Vaccine hiệu quả thấp có thể giảm thành quả chính trị mà Trung Quốc mong muốn thông qua ngoại giao vaccine, nhưng họ có thể lập luận rằng: Trong thời khắc khủng hoảng, Trung Quốc đã nỗ lực hỗ trợ vaccine cho nước khác, trong khi Mỹ lại từ chối chia sẻ kho dự trữ vaccine của mình với thế giới", ông nhận định.

Mỹ đang có tiềm năng trở lại cuộc đua nhờ chương trình vaccine trong nước tiến triển nhanh. Cả ba công ty sản xuất vaccine tại Mỹ gồm Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng. Trong đó, Moderna và Pfizer đã chứng tỏ khả năng khống chế biến chủng mới của nCoV. Ngoài ta, Mỹ đã đặt mua hàng triệu liều AstraZeneca cùng một số loại vaccine khác. Kho dự trữ này có tiềm năng được Washington cho mượn hoặc quyên góp đến những nước đang cần.

"Dù vậy, thậm chí khi ngoại giao vaccine không thể thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chính sách đối ngoại và lợi ích toàn cầu của Trung Quốc, kết cục này vẫn không ảnh hưởng được sức mạnh và sức ảnh hưởng của họ trong và ngoài châu Á. Bản thân Trung Quốc đã vượt qua đại dịch với tình hình chính trị lẫn kinh tế khả quan hơn Mỹ cùng các đồng minh của họ", ông Fidler lưu ý.

Theo VnExpress

 

Chat qua zalo