Việt Nam Sẵn sàng đón sóng FDI

Bộ phận nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật về các KCN cho thấy đã có những tín hiệu khởi sắc từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào các KCN 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Cơ hội thứ 3

Theo SSI Research, dịch Covid-19 mở ra bước ngoặt mới, với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Các doanh nghiệp (DN) lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

"So sánh với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Việt Nam cũng rất hỗ trợ DN, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn và rất nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, còn Indonesia không tham gia. Ngay VNĐ gần đây cũng rất ổn định nếu so sánh với đồng tiền của Indonesia" - SSI Research nhận định.

Sẵn sàng đón sóng FDI - Ảnh 1.

Khu Công nghệ cao TP HCM - nơi thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, nhận định cơ hội đón làn sóng FDI là khá rõ ràng nhưng không thực sự lớn và phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tận dụng của Việt Nam. Theo ông, cần nhìn nhận dịch Covid-19 là "giọt nước làm tràn ly" khiến ngày càng nhiều nước muốn rút đầu tư khỏi Trung Quốc. Trước đó, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, nhiều nước đã có ý định rút vốn khỏi cường quốc châu Á này, đặc biệt là Mỹ. "Chúng ta cũng cần tỉnh táo nhận thức rằng nhà đầu tư không dễ dàng rút toàn bộ FDI khỏi Trung Quốc bởi quốc gia này có lợi thế lớn, lực lượng sản xuất hùng hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt và sản phẩm đáp ứng được tất cả các phân khúc thị trường chứ không chỉ phân khúc bình dân" - ông Toàn nói và cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trong việc thu hút một phần dòng vốn chuyển dịch từ nước láng giềng.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể nào để xác định xem dòng vốn dịch chuyển bao nhiêu và đang ở mức độ dự báo. Khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhưng lựa chọn cụ thể thế nào còn tùy thuộc rất nhiều vào chiến lược của nhà đầu tư. Với Việt Nam, chúng ta đang có lợi thế rất lớn về ổn định kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, lợi thế lao động, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết…

Nguồn: nld.com.vn

Chat qua zalo