Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội
Ngày:19/03/2020 09:18:37 SA
Là địa phương có số lượng doanh nghiệp (DN) lớn của cả nước, TP. Hà Nội xác định cộng đồng DN là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô. Theo đó, chính quyền Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng số lượng DN thành lập mới.
Năm 2019, Thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 27.902 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 510.732 tỷ đồng (tăng 11% về số lượng, 30% vốn đăng ký so với năm 2018). Trong giai đoạn 2016-2019, thành phố có thêm gần 114.000 DN. Lũy kế số DN trên địa bàn đến nay đạt 280.304 DN (trong đó, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chiếm 97%), bình quân 28 người dân Thủ đô/DN.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp năm 2018-2019 là khoảng 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Mật độ người dân/doanh nghiệp là 38 người dân/doanh nghiệp (cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước (cả nước là 135 người dân/doanh nghiệp). Đóng góp của các doanh nghiệp và ngân sách của Thành phố vào khoảng 30%.
Trong số các doanh nghiệp trên địa bàn, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, vốn đăng ký của DNNVV giai đoạn 2016 - 2018 trung bình khoảng 7 tỷ đồng/DN; năm 2019 khoảng trên 10 tỷ đồng/DN. Nhìn chung DNNVV có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Theo thống kê, các DNNVV tạo ra khoảng 40% GDP; số việc làm tạo ra của DNNVV tạo ra khoảng 60% việc làm; vốn đầu tư của DNNVV chiếm 25% tổng số vốn đầu tư của toàn doanh nghiệp; đóng góp khoảng 30% ngân sách.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN phát triển, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Thành phố đã và đang có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí tham gia thị trường của DN. Chính quyền Thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cấp, ngành hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án, tháo gỡ khó khăn; tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, Hà Nội đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tại Quyết định số 4665/QĐ-UBND ngày 05/9/2018, theo đó nhiều nội dung hỗ trợ được triển khai như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DNNVV gia nhập thị trường; hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp; hỗ trợ về phí, lệ phí và công tác kế toán cho DNNVV khởi sự; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các DNNVV; hỗ trợ cung cấp thông tin, xúc tiến, mở rộng thị trường; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV và DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Cùng với đó Hà Nội cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ riêng của Hà Nội dành cho doanh nghiệp thành lập mới như Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới về phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia: 300.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí làm 1 con dấu pháp nhân cho doanh nghiệp thành lập mới, không quá 300.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới kinh phí chuyển phát nhanh kết quả tại nhà khoảng 20.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo về kiến thức khởi sự kinh doanh, lập phương án sản xuất kinh doanh cho các hộ kinh doanh và thông tin các chính sách của Chính phủ và Thành phố về ưu đãi, khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp; không thực hiện thanh tra, kiểm tra trong thời gian 3 năm đầu kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.
Theo đó, Hà Nội thành lập Ban điều phối Đề án; đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.
Từ những nỗ lực triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thành phố đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, ngoài việc tăng liên tục số DN thành lập mới, chỉ số PCI cũng đã được thăng hạng đáng kể, tăng liên tiếp trong 3 năm, năm 2016 xếp thứ 14/63, năm 2017 xếp thứ 13/63, năm 2018 xếp thứ 9/63. Chỉ số PCI đạt 65,4 điểm (tăng 0,69 điểm so với năm 2017); xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 42 bậc so với năm 2012. Có 3/10 chỉ số Hà Nội luôn dẫn đầu xếp hạng cả nước là đào tạo lao động 4/63, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 5/63, gia nhập thị trường 6/63.
Thành phố thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, xây dựng thành phố thông minh; công khai, minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng về thông tin: quy hoạch, chính sách; thủ tục hành chính...cho công dân, doanh nghiệp.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, để đạt được các mục tiêu này, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố; khuyến khích các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, có sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.../.
Nguồn: Baodautu.vn