Dự án Xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Sẵn sàng chuyển đổi và khởi công ngay

Nếu được Quốc hội bố trí thêm 45.000 tỷ đồng, cả 8 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công, đều có thể khởi công ngay trong năm 2020.

Sẵn sàng chuyển đổi

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư cho Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nha Trang - Cam Lâm theo hình thức PPP, nhưng cũng sẵn sàng triển khai các thủ tục chuyển đổi Dự án sang đầu tư công sau khi nhận được chỉ đạo chính thức của cấp có thẩm quyền”, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Theo lãnh đạo PMU đường Hồ Chí Minh, yếu tố then chốt cho việc chuyển đổi Dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 50 km, có tổng mức đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng, một trong 8 dự án PPP thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sang thực hiện theo hình thức đầu tư công chính là việc tìm được nguồn vốn bổ sung khoảng 2.500 tỷ đồng.

Đây là phần vốn mà các nhà đầu tư tư nhân sẽ phải huy động cho Dự án PPP đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, bên cạnh khoản 5.100 tỷ đồng phần vốn tham gia từ ngân sách nhà nước đã được chốt trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Việc triển khai 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang đứng trước ngã rẽ mới nếu chiểu theo các nội dung tại Thông báo số 126/TB-VPCP ngày 25/3/2020 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường cất hạ cánh và đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trước khi Thông báo số 126 được ban hành, Văn phòng Chính phủ đã nhận được kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh về việc sớm tiến hành chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công đối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam triển khai trên địa bàn.

Trong đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận lo ngại công trình sẽ chậm tiến độ nếu tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP, trong bối cảnh Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào vượt qua vòng sơ tuyển và việc tiếp cận nguồn vốn vay thương mại rất khó khăn.

“Ngoài việc không đáp ứng được kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, việc dự án chậm triển khai sẽ tạo dư luận không tốt khi đất canh tác bị thu hồi rồi bỏ hoang, rất dễ xảy ra tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng”, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận khẳng định.

Vốn là then chốt

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận có lý do để lo lắng cho tiến độ triển khai Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, bởi ngay cả khi cả 8 dự án PPP đang được cân nhắc chuyển đổi sang đầu tư công, chưa chắc đoạn tuyến này sẽ được ưu tiên đầu tư sớm do nguồn lực ngân sách có hạn.

Vào giữa tháng 3/2020, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) từng kiến nghị Chính phủ 3 phương án điều chỉnh đối với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, với phương án 3 - phương án được nêu trong Thông báo số 126, Bộ GTVT dự kiến chuyển đổi đầu tư công cả 8 dự án thành phần, sau khi hoàn thành, sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng O&M để thu hồi vốn, kinh phí thu được từ nhượng quyền sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Trước mắt, ưu tiên 3 dự án cấp bách có tổng mức đầu tư khoảng 29.497 tỷ đồng. Với 5 dự án PPP thành phần còn lại, với nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 44.500 tỷ đồng, dự kiến cân đối trong kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai.

Trong trường hợp Quốc hội thông qua gói kích cầu đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, Bộ GTVT muốn được bổ sung ngay 44.500 tỷ đồng để chuyển đổi 5 dự án PPP thành phần còn lại trong năm 2020.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, do hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có điều khoản miễn trừ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên việc hủy sơ tuyển các dự án chuyển đổi sang đầu tư công sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhiệm vụ đầu tiên đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phải sớm hoàn tất báo cáo Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội thông qua chủ trương thay đổi này. Trong trường hợp được Quốc hội thống nhất điều chỉnh Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành hủy kết quả sơ tuyển, điều chỉnh dự án, phân chia các gói thầu xây lắp và xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Kinh nghiệm cho thấy, ngay cả khi được cân đối bố trí đủ vốn, lộ trình khá phức tạp này cần tối thiểu 5 tháng để có thể khởi công xây dựng 8 dự án chuyển đổi, tức là vào cuối tháng 12/2020.

Về công tác lựa chọn nhà thầu thi công các gói thầu tại các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi, dù Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu, nhưng nhiều chuyên gia khuyến nghị tiến hành đấu thầu rộng rãi.

“Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư, thời gian triển khai rút ngắn không nhiều so với hình thức đấu thầu rộng rãi. Các dự án cao tốc Bắc - Nam có rất nhiều gói thầu xây lắp, nên áp dụng đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, thay vì chỉ định thầu tất cả các dự án”, PGS-TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đánh giá.

Nguồn: Baodautu.vn

Chat qua zalo