Gấp rút điều chỉnh Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành trị giá 1,5 tỷ USD
Ngày:25/05/2020 08:24:48 SA
Bộ GTVT và chủ đầu tư – Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang chạy đua hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chỉ có thể hoàn thành vào tháng 6/2023 do vướng mắc trong GPMB và bố trí vốn. |
Theo thông tin của baodautu.vn, ngày 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có công văn hỏa tốc gửi 2 bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Để kịp gia hạn Hiệp định vay theo yêu cầu của ADB (trước ngày 30/5/2020), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về kiến nghị của Bộ GTVT đối với nội dung gia hạn thời gian thực hiện Dự án; gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 25/5/ 2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với kiến nghị của Bộ GTVT về chủ trương sử dụng vốn của Hiệp định vay 3391-VIE để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay 2730-VIE, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, vào ngày 21/5, Bộ GTVT đã có văn bản 4883 kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Văn bản của Bộ GTVT được phát hành ít giờ sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ – CP về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, trong đó có việc các bộ hay Ủy ban quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chủ quản các dự án sử dụng vốn đầu tư công do các doanh nghiệp thuộc Ủy ban làm chủ đầu tư.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 75, Bộ GTVT được xác định là cơ quan chủ quản và sẽ tiến hành trình thủ tục điều chỉnh Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành lên Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, tại văn bản 4883, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận nguyên tắc về điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và gia hạn thời gian thực hiện Hiệp định vay ADB của Dự án (Hiệp định khung MFF và Hiệp định vay lần 2 số 3391-VIE) đến ngày 31/12/2023 và giao Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thông báo đến ADB nội dung này để Ban Giám đốc ADB xem xét trước.
Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Bến Lức - Long Thành đến ngày 31/12/2023 để làm cơ sở gia hạn thời gian thực hiện của Hiệp định khung MFF và Hiệp định vay 3391-VIE vay vốn ADB đến ngày 31/12/2023. Đồng thời xem xét chấp thuận chủ trương sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn hiệp định, với giá trị dự kiến khoảng 1.584,42 tỷ đồng (tương đương 67,4 triệu USD).
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VE) làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án vào tháng 10/2010 với tổng mức đầu tư xây dựng là 31.320 tỷ đồng (tương đương khoảng 1.607,4 triệu USD) để xây dựng toàn bộ tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 57,8 km.
Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 8/10/2010 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 5096/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 sử dụng vốn đồng tài trợ của ADB (gồm 2 khoản vay theo hình thức đầu tư phân kỳ, độc lập nằm trong Hiệp định khung (MFF 0053-VIE) có thời hạn 10 năm từ ngày 14/12/2010 đến ngày 14/12/2020 và vốn ODA của Chính phủ Nhật bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (dự kiến bao gồm 3 khoản vay thực hiện giải ngân song song) và vốn đối ứng trong nước. Công trình đã được khởi công ngày 19/7/2014, kế hoạch hoàn thành năm 2020. Hiện tiến độ dự án chậm 17,63% so với kế hoạch. Đặc biệt các gói thầu vốn vay ADB có nguy cơ không hoàn thành Dự án trước thời hạn kết thúc Hiệp định khung của dự án vào ngày 14/12/2020, khi đó sẽ không có kinh phí để thi công khối lượng còn lại.
Cụ thể, Hiệp định vay 2730-VIE trị giá 350 triệu USD đã đóng ngày 30/6/2019 nên hiện chưa có nguồn vốn để tiếp tục giải ngân cho các khối lượng còn lại của các gói thầu đoạn phía Tây (khối lượng thi công từ ngày 30/6/2019 trở về trước nhưng chưa được nghiệm thu, giải ngân và khối lượng thi công sau ngày 30/6/2019). Theo báo cáo của VEC, tổng giá trị còn lại của toàn bộ hợp đồng các gói thầu đoạn phía Tây là khoảng 1.584,42 tỷ đồng (khoảng 67,4 triệu USD, bao gồm 1.320,87 tỷ đồng giá trị xây lắp (khoảng 56,2 triệu USD) và 236,55 tỷ đồng giá trị tư vấn (khoảng 11,2 triệu USD). Do không kịp làm thủ tục gia hạn Hiệp định vay 2730 – VIE nên các cơ quan chức năng cần thực hiện thủ tục điều chỉnh sang sử dụng nguồn vốn từ khoản vay 3391-VIE và điều chỉnh thời gian thực hiện của Dự án để tiếp tục giải ngân cho các gói thầu.
Trong khi đó, khoản vay 3391-VIE có thời hạn đóng vào ngày 30/6/2020 và hiệp định khung MFF có thời hạn đóng vào đóng ngày 14/12/2020. Dự kiến tiến độ hoàn thành dự án sẽ vượt quá thời gian có hiệu lực của khoản vay 3391-VIE và MFF, do đó cần thực hiện các thủ tục gia hạn khoản vay để đảm bảo nguồn vốn thi công hoàn thành Dự án với mốc tiến độ để hoàn thành gói thầu xây lắp cuối cùng (A6) là tháng 5/2023 và gói thầu tư vấn giám sát C1 sẽ kéo dài đến ngày 31/12/2023.
“Do đó để đảm bảo triển khai hoàn thành đoạn phía Tây và phía Đông theo hợp đồng đã ký, việc điều chỉnh Dự án để tạo cơ sở gia hạn Hiệp định 3391- VIE là điều rất cấp bách”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Không chỉ vướng mắc đối với 2 hiệp định vay vốn ADB, phần vốn nước ngoài (vốn JICA) từ tháng 1/2019 chưa được giao do vướng Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội, trong khi nhu cầu vốn đăng ký để thực hiện năm 2019, 2020 cho Dự án là 1.584 tỷ đồng. Việc thiếu vốn đầu tư dẫn đến Dự án không hoàn thành đúng tiến độ, kéo dài thời gian thi công, phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư dự án; ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ đối với các Nhà tài trợ; phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay và tình hình tài chính của VEC.
Nguồn: Baodautu.vn