Hoàn thiện và hiện đại hóa cảng biển Nghi Sơn, đáp ứng nhu cầu phát triển
Ngày:06/05/2020 09:41:06 SA
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng PTSC Thanh Hóa. Ảnh: Lê Đồng
Từ tháng 5–2019, với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp khai thác cảng, Khu Kinh tế Nghi Sơn bắt đầu hình thành và khai thác tuyến container quốc tế. Từ đó đến nay, Tập đoàn CMA CGM – một hãng tàu vận tải container hàng đầu thế giới đã có 40 chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn để đưa hàng hóa đến và đi nhiều nước trên thế giới. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Cục Hải quan và các đơn vị có liên quan để làm việc, mời gọi một số hãng tàu quốc tế khác, như: Hyung A (Hàn Quốc), SITC (Việt Nam) nhằm khai thác thêm các tuyến container quốc tế đi và đến Nghi Sơn. Lượng hàng hóa nhập và xuất khẩu qua cảng đã nộp ngân sách Nhà nước gần 600 tỷ đồng trong gần 1 năm qua.
Có được kết quả trên, đầu tiên phải kể đến việc các doanh nghiệp đầu tư cảng không ngừng đầu tư, xây dựng hạ tầng cảng biển Nghi Sơn hiện đại, có thể đón được các tàu hàng có tải trọng lớn của thế giới. Về các bến cảng tổng hợp, đến nay đã có 13 bến được đưa vào vận hành, trong đó có 8 bến khá hiện đại của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn và Công ty Xi măng Long Sơn. Các bến cảng tổng hợp còn lại đang được các chủ đầu tư triển khai xây dựng và hoàn thiện. Bên cạnh đó, đã có 10 bến cảng container được chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó, Công ty CP Gang thép Nghi Sơn là chủ đầu tư 4 bến, 6 bến còn lại của Công ty Xi măng Long Sơn.
Riêng các bến chuyên dụng, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại vùng biển Nghi Sơn, góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, phát triển mạnh hạ tầng cảng cũng như sự cạnh tranh lành mạnh trong dịch vụ bốc xếp và vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển. Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát đang triển khai đầu tư 2 bến nhô dạng trụ cập phía ngoài cho tàu hàng có tải trọng đến 20.000 tấn cập bến. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng xây dựng hệ thống kho xăng dầu ngoại quan và nội địa ngay gần cảng với tổng dung tích 165.200 m3 và kho LPG công suất 2.000 tấn để có thể đón các tàu dầu và khí hóa lỏng vào ra nhập và lấy hàng. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng chuyên dùng phục vụ kho dầu đầu mối LPG và kho nhựa đường lỏng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn do Công ty TNHH Tân Thành 8 làm chủ đầu tư, với công suất kho bồn chứa LPG 57.000 tấn/năm và kho chứa nhựa đường lỏng 48.000 tấn/năm. Nhiều bến chuyên dụng khác đã hoàn thành và phát huy tác dụng từ nhiều năm qua, như các bến của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Hiện tại, phía Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 cũng đang khẩn trương xây dựng bến cảng chuyên dụng riêng của mình.
Trong lĩnh vực logistics, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đầu tư khu dịch vụ hậu cần cảng và một số dự án liên quan với tổng quy mô 60 ha ngay tại khu vực cảng biển Nghi Sơn. Các dự án đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó một số dự án đã được các chủ đầu tư đưa vào khai thác.
Hiện nay, nhiều khu vực luồng lạch tại đây có hiện tượng bồi lắng nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đấu mối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nạo vét luồng vào Cảng Nghi Sơn. Đây là dự án lớn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng, được đề nghị sử dụng nguồn vốn ODA của Tổ chức JICA (Nhật Bản).
Với một khu kinh tế động lực ven biển như Nghi Sơn, việc phát triển mạnh hạ tầng cảng biển là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội phát triển ngày càng to lớn. Toàn khu kinh tế và cảng biển sẽ có sự phát triển tương hỗ, trong đó phát triển mạnh hạ tầng cảng biển chính là những bước đi đầu tiên cho sự phát triển ấy.