Cần sớm gỡ nút thắt trong đầu tư cụm công nghiệp
Ngày:18/03/2023 02:02:48 CH
Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, một số chủ đầu tư hạ tầng gặp một số rào cản, xuất phát từ sự thiếu thống nhất trong các quy định pháp lý và quy định của địa phương. Nhiều chủ đầu tư hạ tầng đang rất mong được gỡ “nút thắt” để sớm đưa các dự án cụm công nghiệp vào hoạt động.
Nhiều vướng mắc chưa có lời giải
Vướng mắc về quy mô diện tích cho một cụm công nghiệp:
Một trong những vướng mắc đối với việc triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp đó là không thống nhất về quy mô diện tích cụm công nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.
Theo Điều 2, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thì cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10ha. Riêng đối với các cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 5ha.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội lại có quy định khác. Trên cơ sở Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất thỏa thuận quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trình Bộ Công thương. Ngày 27/11/2017, Bộ Công thương ban hành Văn bản số 11175/BCT-CTĐP về thỏa thuận Quy hoạch Phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó phê duyệt 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.204,31ha, trong đó có rất nhiều cụm công nghiệp có diện tích từ 5ha trở lên.
Ngày 3/10/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND về quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó quy định diện tích không vượt quá 75ha và không dưới 30ha đối với cụm công nghiệp; không vượt quá 75ha và không dưới 15ha đối với cụm công nghiệp làng nghề.
Nếu chiếu theo quy định tại Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND thì rất nhiều cụm công nghiệp thuộc Quy hoạch Phát triển cụm công nghiệp trong Văn bản số 11175/BCT-CTĐP không đạt tiêu chí về diện tích để được thành lập. Từ đó, dẫn tới tình trạng, nhiều cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch được phê duyệt, nhưng lại không được xem xét cấp phép thành lập, triển khai các thủ tục đầu tư có liên quan.
Vướng mắc về hình thức trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm:
Việc lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất cũng là vấn đề khiến nhiều chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đang gặp phải. Về cơ sở pháp lý, căn cứ Điều 172, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là đối tượng sử dụng đất có quyền lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền theo từng năm.
Theo quy định hiện hành, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng mà các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đã tự nguyện ứng trước sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất. Tại rất nhiều dự án cụm công nghiệp, số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng rất lớn. Căn cứ vào đơn giá thuê đất được cơ quan thuế xác định, trên cơ sở dự toán của doanh nghiệp, số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà một số chủ đầu tư cụm công nghiệp đã tạm ứng có thể cao hơn so với số tiền thuê đất phải nộp trong suốt 50 năm thực hiện dự án.
Vì vậy, việc hạn chế hình thức cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và chuyển đổi các dự án đã được cho thuê đất trả tiền một lần thành trả tiền hằng năm đang áp dụng với nhiều dự án cụm công nghiệp không có ý nghĩa để bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, trên thực tế, nhiều đơn vị được chọn làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo đúng quy định, trình tự tại Nghị định 68, nhưng lại gặp khó khăn trong công tác thẩm định cho thuê đất do cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải trình về việc lựa chọn chủ đầu tư - đối tượng được đề nghị cho thuê đất mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Thêm vào đó, nhiều chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đang gặp nhiều rắc rối do thời gian xử lý một số thủ tục hành chính kéo dài, công tác thẩm định, giao đất/cho thuê đất kéo dài hơn nhiều ngày so với quy định.
Mòn mỏi chờ gỡ nút thắt
Thời gian thẩm định, xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính bị kéo dài khiến một số dự án Dự án đầu tư cụm công nghiệp đã được cấp phép trên địa bàn thành phố Hà Nội bị chậm tiến độ, buộc chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện thủ tục gia hạn, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh này tiếp tục làm chậm các kế hoạch kinh doanh, thu hồi vốn đầu tư…
Việc thay đổi cơ chế, chính sách của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là thay đổi hình thức sử dụng đất, dẫn tới sự xáo trộn trong kế hoạch kinh doanh, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Nhiều cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng, nhưng chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa vào khai thác, sử dụng, tiếp nhận dự án đầu tư, khiến doanh nghiệp chủ đầu tư chưa thể thu hồi vốn, bị vỡ kế hoạch tài chính, phải chật vật xoay xở từ các hoạt động kinh doanh khác để thanh toán các khoản vay khi đến hạn.
Vì vậy, nhiều chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp rất mong muốn các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm tháo gỡ một số nút thắt về cơ chế, chính sách như được nêu ở trên để nhiều dự án cụm công nghiệp được triển khai đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo các kế hoạch kinh doanh đã đề ra.