Dự án nhà máy nhiệt điện LNG lớn nhất tỉnh Thái Bình chính thức thành lập công ty
Ngày:24/04/2024 02:17:04 CH
Dự kiến dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình sẽ được khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD
Ngày 26/1, Tổ hợp Nhà đầu tư gồm: Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định thành lập và ra mắt ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình.
Ngày 16/12/2023, tại Diễn đàn kinh tế doanh nghiệp đầu tư ASEAN-Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.
Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình - doanh nghiệp được tổ hợp nhà đầu tư lập ra để trực tiếp triển khai thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình tặng hoa Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Điện khí LNG Thái Bình trong lễ ra mắt Công ty
Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình là dự án có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, với tổng công suất thiết kế khoảng 1.500MW, nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng, địa điểm đặt tại xã Thái Đô (Thái Thụy).
Đây là dự án sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, không gây phát thải khí SO2 và hiệu ứng nhà kính. Khi đi vào vận hành, Dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 10 tỷ kWh mỗi năm, góp phần tăng cường bảo đảm an ninh cung cấp điện cho miền Bắc.
Ước tính tổng giá trị thuế nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng là khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành trung bình nộp thuế khoảng trên 4.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động trong giai đoạn xây dựng. Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030.
Tiềm lực liên danh nhà đầu tư
Được biết, Tokyo Gas đã có 139 năm hoạt động (thành lập năm 1885) và là một trong những công ty khí lớn nhất Nhật Bản, có vị thế quan trọng trong ngành khí toàn cầu. Tokyo Gas đang cung cấp khí cho hơn 11 triệu khách hàng tại Nhật Bản và là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn như Tokyo, Kanagawa, Chiba... Tính đến thời điểm hiện tại, Tokyo Gas đã tham gia hơn 35 dự án kho cảng tiếp nhận LNG ở nước ngoài, 20 dự án kho cảng tiếp nhận LNG tại Nhật Bản và chuyển giao kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức về LNG cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, Công ty Điện lực Kyushu (Kyuden) thành lập năm 1951, vốn điều lệ 2,2 tỷ USD, tổng tài sản hơn 46,6 tỷ USD - thuộc Top 5 của Nhật Bản về phát triển các nhà máy điện.
Trong bộ ba liên doanh có một nhà đầu tư trong nước là TTVN Group, thành lập năm 2012 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phát triển Trường Thành Việt Nam, Chủ tịch là ông Đặng Trung Kiên. Đến năm 2017, công ty này tăng vốn lên 600 tỷ đồng và đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group). Từ doanh nghiệp nhỏ, đến cuối năm 2022, TTVN Group đã vươn lên thành tập đoàn đa ngành, vốn 3.200 tỷ đồng, với 20 công ty con, công ty liên kết hoạt động ở 18 tỉnh trên khắp 3 miền của đất nước, trong đó phát triển dự án năng lượng sạch là thế mạnh và là hướng ưu tiên đầu tư.
TTVN Group đã đầu tư thành công và đưa vào vận hành 4 dự án năng lượng tái tạo và một số cụm dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 412 MW. Cả 4 dự án đều hợp tác với đối tác nước ngoài.
Với những thành quả nói trên, TTVN Group được xếp vào Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch Việt Nam trong 2 năm 2019 - 2020.
Mục tiêu hướng đến của TTVN Group là trở thành một trong 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, từng bước vươn tầm khu vực trong 2 lĩnh vực chính là năng lượng và bất động sản. Tập đoàn phát triển theo hướng tăng cường các dự án điện gió, điện khí với quy mô lớn, đồng thời nghiên cứu mở rộng hoạt động sang các dự án biomass, hydrogen và tính đến khả năng tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình
Cùng với việc góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao quy mô kinh tế của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp quan trọng vào chuyển đổi kinh tế của Thái Bình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo sức bật thu hút đầu tư của tỉnh, dự án này còn được kỳ vọng đóng góp rất lớn vào an ninh năng lượng quốc gia, tạo không gian kinh tế giảm phát thải ròng, hướng tới zero carbon.
Không chỉ có vốn đầu tư cực lớn, gần 2 tỷ USD - con số mà trước đây chưa ai dám nghĩ đến, dự án điện khí LNG này còn có một ý nghĩa giá trị lớn hơn nhiều. Theo đó, Dự án mở ra trang mới, biến nguồn khí mỏ thiên nhiên dồi dào sâu trong lòng biển thành nguồn nhiên liệu sản xuất điện khí, một nguồn năng lượng xanh cho các nhà máy xanh. Điện khí LNG có lượng phát thải carbon ít hơn 45% so với điện than, ít hơn 30% so với đốt dầu, đồng thời giảm tới 90% lượng NOx, tạo ra ít khí thải gây ô nhiễm, nên góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, Dự án cũng góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là “chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng…”.
Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, ngày 26/1/2024, liên danh nhà đầu tư đã ra mắt Công ty cổ phần Điện khí LNG Thái Bình với một bộ máy đủ mạnh trực tiếp triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Điện khí LNG Thái Bình.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Thái Bình là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào tỉnh, do đó, tỉnh đã tích cực vào cuộc, tập trung triển khai các giải pháp thực hiện theo Quy hoạch Điện VIII của Chính phủ và các quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Điện khí LNG Thái Bình. Vì vậy, chỉ sau 7 tháng kể từ khi công bố Quy hoạch Điện VIII, tỉnh Thái Bình đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG Thái Bình.
Đánh giá về dự án trọng điểm này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải nhấn mạnh: “Dự án Điện khí LNG có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của cả nước”.
Với tiềm lực và kinh nghiệm của 3 nhà đầu tư, chắc chắn, Dự án Điện khí LNG sẽ hoàn thành đúng tiến độ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện thực hoá những mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.