Lạng Sơn: Bổ sung khu công nghiệp Hữu Lũng với quy mô diện tích 599,76 ha

Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Đồng Bành 159,76 ha từ 321,76 ha xuống 162 ha.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Đồng Bành 159,76 ha (từ 321,76 ha xuống 162 ha). Vị trí tại các xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Bổ sung khu công nghiệp Hữu Lũng với quy mô diện tích 599,76 ha tại các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 tại Quyết định số 1107/QĐ- TTg ngày 21 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

KCN Đồng Bành được UBND tỉnh Lạng Sơn thành lập ngày 8/10/2014, nằm dọc 2 bên bờ Sông Thương, thuộc địa bàn một số thôn của xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng và một số thôn của thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Dự án được qui hoạch trên diện tích 321,7 ha, tổng mức đầu tư hơn 894 tỉ đồng.

Tính đến tháng 6/2020, KCN Đồng Bành đã thu hút được 4 dự án đầu tư ngoài ngân sách trên các lĩnh vực: Sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, với tổng vốn đầu tư trên 1.700 tỉ đồng. Trong đó, có một dự án đang sản xuất kinh doanh, một dự án đang hoàn thiện đầu tư xây dựng và hai dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Được biết, trước đó Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) từng bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt tại KCN Đồng Bành ở huyện Chi Lăng.

Kinh Bắc hiện đang quản lí 5.278 ha đất cho phát triển KCN, chiếm 5,5% tổng số diện tích đất KCN của cả nước. Trong đó, có 1.031 ha đất tại 4 KCN đã lấp đầy 100%. Ngoài ra, Kinh Bắc còn 939 ha đất cho phát triển khu đô thị và dân cư.

Trong đó, riêng tại Bắc Ninh, Kinh Bắc đang sở hữu KCN Quế Võ I,II; KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh; KCN Đại Đồng Hoàn Sơn giai đoạn I,II và KCN Phúc Ninh. Tại Hải Phòng, Kinh Bắc có KCN Tràng Duệ I,II,III; KĐT dịch vụ và nhà ở công nhân...

Bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng "nóng"

Theo nhóm phân tích SSI Research, bất động sản công nghiệp đang chứng kiến những triển vọng tươi sáng. Sự xuất hiện của đại dịch làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, công tác kiểm soát dịch bệnh tốt trong nước giúp thu hút và thúc đẩy quá trình đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các đối tác nước ngoài sang Việt Nam...

Điều này khiến nguồn cầu về nhà xưởng tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung tỏ ra khá hạn chế vì một phần quỹ đất còn trống lại gặp khó khăn trong việc bồi thường và giải phóng mặt bằng, ở cả khu vực miền Nam và miền Bắc. Đây là nguyên nhân khiến giá thuê đất năm qua cũng tăng mạnh so với dự báo của giới quan sát. Nếu như khu vực miền Bắc tăng từ 14-18% thì tại khu vực miền Nam con số này dao động trong khoảng 15-23%.

Thêm vào đó, Việt Nam còn là khu vực có chi phí lao động rẻ, vị trí thuận lợi, giá thuê đất thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực... Và minh chứng mới nhất cho sự hấp dẫn này, là việc Foxconn chính thức công bố vận chuyển dây chuyền sản xuất iPad, Macbook sang nước ta từ đầu năm 2021.

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích SSI dự đoán, nhu cầu thuê đất trong năm nay tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt việc dịch bệnh lắng xuống sẽ thúc đẩy các công ty nước ngoài đang có ý định, chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang nước ta từ trước, giống như Foxconn.

"Việc chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu hướng lớn có khả năng tăng tốc thời kì hậu Covid-19. Một số công ty lớn như Microsoft, Google, Panasonic... đang lên kế hoạch cho sự chuyển dịch này", báo cáo của SSI nhận định.

Chat qua zalo