Bất động sản công nghiệp phía Nam cạn quỹ đất cho thuê
Ngày:10/03/2020 05:13:25 CH
Theo đánh giá của bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, thị trường BĐS công nghiệp phía Nam đang đối mặt với thực tế cạn nguồn quỹ đất và mặt bằng cho thuê. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở TP.HCM khi mà không có khu công nghiệp mới nào được đưa vào thị trường trong 6 tháng vừa qua. Quỹ đất hiện hữu chào thuê thấp, chỉ khoảng 3.000 ha, trong khi nhu cầu thuê tại thị trường này đang rất cao, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt 90% và nhu cầu tìm thuê bất động sản công nghiệp hiện hữu tăng gần 40% so với cùng kỳ. Thực tế này cũng đang diễn ra tại các thị trường trọng điểm khác như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu khi hầu hết các KCN đều lấp đầy gần như 90-100%, trong khi diện tích chào thuê mới không có.
Theo ông Lê Trọng Hiếu - giám đốc dịch vụ tư vấn và quản lý kinh doanh khu công nghiệp và văn phòng cho thuê của CBRE Việt Nam, làn sóng doanh nghiệp đổ từ Trung Quốc sang Việt Nam kéo theo các nhà lắp ráp điện tử cung ứng cho các doanh nghiệp điện tử di chuyển vào Việt Nam. Nhu cầu thuê tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, đặc biệt là Bình Dương và TP.HCM khiến tỷ lệ thuê tại các địa phương này tăng cao. Nguồn cung mới không kịp cung ứng gây tình trạng khan hiếm quỹ đất cho thuê, đẩy giá thuê tăng cao.
Cụ thể, giá thuê kho xưởng tại TP.HCM và Đồng Nai chạm mức gần 5 USD/m2/tháng, trong khi các thị trường khác là Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng từ 3,7-4 USD/m2/tháng. Giá thuê đất cũng có xu hướng tăng cao, tại TP.HCM đã chạm ngưỡng gần 160 USD/m2/chu kỳ thuê. Các địa phương khác từ 80-120 USD/m2/chu kỳ thuê. Việc giá đất tăng cao được cho là do thiếu quỹ đất có sẵn ở một số thị trường, đặc biệt là TP.HCM. Việc thị trường phía Nam không có thêm KCN nào mới là hệ quả từ những khó khăn trong bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, theo bà Dương Thùy Dung, giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, một trong những yếu tố khiến TP.HCM và các tỉnh phía Nam thiếu các KCN mới là do sự tác động từ yếu tố hạ tầng. Trong năm qua, khá nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm phía Nam rơi vào tình trạng chậm triển khai, kéo theo nhiều quỹ đất trước đó được nhắm đến phát triển các KCN mới chậm tiến độ. Việc phát triển cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này khiến các nhà đầu tư tiềm năng phải tìm kiếm các giải pháp thay thế khác, làm thu hẹp lựa chọn của các khách thuê mới và buộc họ phải tìm kiếm địa bàn thuê tại thị trường phía Bắc.
Dự báo, sớm nhất phải đến nửa cuối năm 2020, thị trường phía Nam mới có thêm quỹ đất KCN mới, hầu hết nguồn cung này khá hạn chế với quy mô trung bình. Xu hướng chuyển đổi sản xuất vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2020 và đem lại lợi ích cho nền công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên trong năm tới, trước tình trạng cạn nguồn cung mới, thị trường BĐS KCN phía Nam sẽ phải nhường sân chơi cho các địa bàn phía Bắc.
Nguồn: batdongsan.com.vn