Cơ hội mới cho dệt may giữa dịch Covid-19
Ngày:23/03/2020 08:59:09 SA
Khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn được đánh giá là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may khi nhu cầu gia tăng cả trong nước lẫn thế giới.
Chia sẻ bên lề cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp trước mắt, đã đề xuất cho phép phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn.
Xét về mặt chuyên môn, loại khẩu trang vải này có hiệu quả trong phòng chống bệnh, do đó có thể trở thành một sản phẩm mới của ngành công nghiệp dệt may với thị trường trong nước. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang rất cần loại khẩu trang này cũng như các vật phẩm y tế khác.
“Thông qua nắm bắt thực tế của thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp, Bộ Công thương đã đề xuất cho phép phát triển ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn”, ông Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng cho biết công suất hiện nay khoảng 40 triệu khẩu trang mỗi tháng với nguồn nguyên liệu tự chủ và hoàn toàn cung ứng được. Nếu tổ chức lại ngành dệt may và dây truyền sản xuất, công suất có thể nâng lên mức 200 – 300 triệu khẩu trang/ tháng, từ đó có thể tiếp cận thị trường thế giới ở quy mô rất lớn.
Điều đáng chú ý là khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn là sản phẩm mới, do đó cần tạo ra thị trường trong nước ổn định để doanh nghiệp có thể chuyển hẳn sang sản xuất sản phẩm này, từ đó có những đầu tư về dây chuyền sản xuất và đội ngũ nhân công.
Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp, các doanh nghiệp phân phối trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đã gặp khó khăn kể từ khi dịch bệnh phát tác tại Trung Quốc, Hàn Quốc và giờ đang lan sang các thị trường khác.
Khó khăn này xuất phát từ nguồn cung trong các sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, đồ gỗ mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia.
Mới đây, những khó khăn này tiếp tục thể hiện dưới dạng mới, gắn liền với việc dịch Covid-19 phát triển và lan ra rất nhanh với quy mô lớn tại các quốc gia châu Âu cũng như Bắc Mỹ.
Thực tế này buộc các nước khu vực châu Âu và Bắc Mỹ thực hiện một số chính sách phòng chống bệnh dịch có tính quyết liệt và triệt để hơn, bao gồm phong tỏa các khu vực, thành phố, bang và thậm chí đóng cửa biên giới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong thời gian đầu tháng 2, có hiện tượng một số đơn hàng, một số hợp đồng bị giãn tiến độ nhưng chủ yếu do nguồn cung và hai bên bán – mua có sự thống nhất.
Doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều thị trường trọng điểm.
Nhưng đến đầu tháng 3, việc giãn tiến độ, thậm chí hủy đơn hàng và không có đơn hàng mới bắt đầu phổ biến trong lĩnh vực dệt may, da giày, trước là thị trường châu Âu và hiện là châu Mỹ.
Tại cuộc họp báo, liên quan đến việc EU đóng cửa biên giới ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, cho biết trước diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các nước EU đã có động thái quyết liệt đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. Việc đóng cửa biên giới này nhằm nhằm bảo vệ sức khỏe của công dân EU, không phải là phong tỏa.
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng đã liên hệ và phía Mỹ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh châu Âu, châu Mỹ là 2 thị trường quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng.
Do đó, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia trên, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thống nhất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi hỗ trợ thị trường.
Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) tháng trước từng đánh giá nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài thì khả năng doanh nghiệp phải nghỉ luân phiên, ngừng việc, đóng cửa sẽ rất cao do không có nguyên, phụ liệu sản xuất. Điều này sẽ khiến khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác hoặc hủy đơn hàng do giao hàng không đúng hạn.
Mặc dù là mặt hàng đứng thứ ba về giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm ngoái và đóng góp lớn cho xuất khẩu nhiều năm qua, dệt, may lại là khu vực chịu ảnh hưởng chủ đạo từ Trung Quốc khi đây là nguồn nguyên, phụ liệu chính.
Nguồn: Theleader.vn