25 dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2021-2030

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 sẽ khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giao thông vận tải.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 7066/TTr-GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự thảo quy hoạch, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, trong lĩnh vực đường bộ đạt khối lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 2.763,8 triệu tấn, chiếm 62,80% thị phần; hành khách đạt khoảng 9.430 triệu khách, chiếm 90,16% thị phần; khối lượng luân chuyển hàng hóa nội địa đạt khoảng 162,7 tỷ tấn tương ứng chiếm 30,48% thị phần và hành khách nội địa đạt 283,6 tỷ khác, chiếm 72,83% thị phần.

Về kết cấu hạ tầng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Bên cạnh đó, ngành giao thông phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giao thông vận tải.

Tại tờ trình số 7066, Bộ đã đề xuất Danh mục dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 được xác định theo khả năng bố trí nguồn lực cho ngành giao thông vận tải/tổng GDP; khả năng huy động nguồn vốn. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất danh mục 25 dự án trọng điểm được ưu tiên đầu tư.

Trong đó, ưu tiên đầu tư các hành lang vận tải chính, kết nối liên vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp GDP lớn. Đồng thời, Bộ đề xuất từng bước nâng cao tỷ trọng đầu tư cho các vùng còn khó khăn, có tỷ lệ đầu tư so với dân số thấp như: Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn.

Bên cạnh các nguồn vốn truyền thống như: PPP, ODA, ngân sách, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác.

Danh mục 25 dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025

1. 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông

2. Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

3. Vành đai 4 Hà Nội

4. Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng-Trần Đề

5. Cao tốc An Hữu-Cao Lãnh

6. Cao tốc Chơn Thành-Đức Hòa

7. Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh

8. Cao tốc Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi

9. Cao tốc Buôn Ma Thuột-Vân Phong

10. Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

11. Cao tốcThành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài

12. Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành

13. Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú-Bảo Lộc

14. Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn

15. Cao tốc Chợ Mới-Bắc Cạn

16. Cao tốc nối thành phố Hà Giang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai

17. Cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu

18. Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

19. Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh

20. Vành đai 5 Hà Nội

21. Cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương

22. Cao tốc Vinh-Thanh Thủy

23. Cao tốc Mộc Châu-Sơn La

24. Cao tốc Phú Thọ-Chợ Bến

25. Cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá

Chat qua zalo