4 nhóm giải pháp gỡ khó cho cảng Cát Lái

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó TGĐ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết để giảm nguy cơ ùn tắc tại cảng Cát Lái trong thời gian tới, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia dây chuyền sản xuất tại cảng.

Phó TGĐ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nêu 4 nhóm giải pháp gỡ khó cho cảng Cát Lái

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19, ông Phan Bình Tuy, Phó trưởng phòng giám sát quản lý, Cục Hải quan TP. HCM, cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng nguyên tắc sản xuất "3 tại chỗ" khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc thu hẹp hoạt động, thậm chí có nhiều doanh nghiệp không thể tới cảng để nhận hàng dẫn tới tình trạng hàng hoá bị ùn ứ.

Đáng chú ý, cảng Cát Lái trong thời gian vừa qua rơi vào tình trạng thiếu nhân sự, đặc biệt là nhân công hỗ trợ bốc xếp hàng hoá tàu biển dẫn tới tình trạng nhiều tàu hàng vào cảng phải chờ đợi.

Phó trưởng phòng giám sát quản lý, Cục Hải quan TP. HCM, cho biết hiện nay công suất hoạt động của cảng Cát Lái là gần kín (trên 90%).

“Nếu như tình trạng này tiếp tục kéo dài, khả năng cao cảng Cát Lái sẽ hết nơi chứa hàng hoá và dẫn tới khả năng sẽ dừng tiếp nhận tàu nhập cảng mới”, ông Tuy nói.

Trước những khó khăn trên, ông Tuy cho biết đã có báo cáo đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép đưa các hàng hoá tồn đọng ở cảng Cát Lái sang cảng Tân Cảng Hiệp Phước để làm các thủ tục xử lý hàng tồn đọng theo quy định. Hiện nay số lượng hàng hoá tồn đọng trên 90 ngày tại cảng này là trên 1.200 container.

Cùng với đó là phối hợp với các Cục Hải quan ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu để tổ chức thực hiện việc cho phép di dời, đưa các hàng tồn đọng ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh miền tây đưa về các cảng ở Bình Dương, Đồng Nai và cảng Tân Cảng Hiệp Phước.

Cảng Cát Lái nguy cơ sẽ hết nơi chứa hàng trong thời gian tới

 

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, chia sẻ đợt bùng phát dịch bệnh từ đầu tháng 5/2021 đến nay diễn ra rất nhanh, mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, đặc biệt tập trung vào các tỉnh, thành phố lớn, tập trung đông dân cư, đặc biệt đây là các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn nhất trong cả nước, như: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương…

Các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc ở mức độ cao hơn, nhiều hoạt động không thiết yếu bị tạm dừng, nhiều khu vực bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp, hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao.

Còn ông Nguyễn Phương Nam, phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết: “Xuất phát từ việc đứt gãy các chuỗi cung ứng cùng với diễn biến của dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, trong tháng 7 chúng tôi đã có báo cáo với các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan hải quan và Bộ Giao thông Vận tải về nguy cơ các cảng biển sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hoá, trong đó đặc biệt là ở cảng cát lái”.

“Ở thời hiện tại, cảng Cát Lái vẫn hoạt động thông suốt và chưa xảy ra tình trạng ùn tắc. Chúng tôi chỉ mới dự liệu nguy cơ sẽ xảy ra mà thôi. Một số thông tin đưa trên báo chí là chưa chính xác”, ông Nguyễn Phương Nam cho hay.

Lo ngại về nguy cơ ùn tắc tại cảng Cát Lai trong thời gian tới, phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đề ra 4 nhóm giải pháp.

Giải pháp thứ nhất, thực hiện nhiều đợt xét nghiệm và tổ chức tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia dây chuyền sản xuất tại cảng. Hiện nay có hơn 90% cán bộ công nhân viên, cũng như người lao động tại cảng đã được tiêm vaccine.

“Trong tổ chức sản xuất, chúng tôi đã triển khai nhiều các ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế sự tiếp xúc giữa khách hàng với nhân viên, giữa nhân viên của các với các thuỷ thủ tàu,…”, ông Nam nói.

Giải pháp thứ 2, tăng tốc độ giải phóng các container hàng nhập ra khỏi cảng. Trong nhóm giải pháp này, cơ quan hải quan đã đồng ý cho Tân Cảng Sài Gòn chuyển hàng hoá lưu giữ trên 90 ngày về Tân Cảng cảng Hiệp Phước.

Liên quan tới nhóm giải pháp này, ông Nam đề nghị địa phương, các cơ quan sở GTVT địa phương tạo điều kiện cho nhân lực đi lại để thuận lợi trong việc làm thủ tục, không những thủ tục về giao nhận hàng hoá mà còn liên quan tới các thủ tục chuyên ngành như làm thủ tục về các thủ tục hải quan.

Giải pháp thứ 3, tối ưu hiệu quả việc sử dụng dung lượng bãi chứa trong cảng.

Giải pháp thứ 4, tối ưu tối đa lượng hàng nhập khẩu đưa về cảng. Cụ thể, tuyên truyền, sử sụng truyền thông thông tin tới các hãng tàu, khách hàng, những doanh nghiệp nào đã ngưng sản xuất, hoạc tạm ngưng sản xuất phối hợp với người bán ở đầu nước ngoài tạm thời chưa giao hàng hoặc lùi thời gian đưa hàng về Việt Nam.

Cùng với đó, các hãng tàu cần phải phối hợp với nhau để điều tiết các tuyến tàu vận tải về Việt Nam, tránh tình trạng đưa hàng hoá về cảng trong cùng 1 thời điểm.

Nhìn nhận về tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tại cảng Cát Lái trong thời gian tới, ông Nam cho rằng với tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn diễn ra phức tạp tại TP. HCM và các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp sản xuất tại địa phương sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều khả năng một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục tạm ngưng sản xuất trong một thời gian tới.

Về giải pháp cho thời gian tới, phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng cần phải tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp đang sản xuất có thể làm thủ tục thông quan, cũng như thủ tục giao nhận hàng hoá một cách nhanh chóng nhất.

Tiếp theo là tạo điều kiện nguồn lao động sạch cho doanh nghiệp. Cụ thể chú trọng vào việc tiêm vaccine cho các công nhân ở nhà máy.

“Tôi nghĩ rằng đây là giải pháp căn cơ nhất. Các nhà máy, các doanh nghiệp hoạt động được thì các khâu tiếp theo mới chuyển động được. Nếu doanh nghiệp yếu đi và không sản xuất được thì hàng hoá sẽ tiếp tục tồn đọng tại các cảng biển”, ông Nam nói.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của các cảng biển khu vực phía Nam

Kịch bản số 1: Dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, vaccine phòng dịch được tiêm chủng trên diện rộng, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực TP. HCM sẽ tăng từ 5-7%, khu vực Cái Mép sẽ tăng từ 12-15% so với 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân do các hãng tàu chủ động điều chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra để đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Kịch bản thứ 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào đầu quý 4/2021, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực TP. HCM dự báo tăng từ 3-5%, khu vực Cái Mép tăng từ 15-17% do hãng tàu, khách hàng tăng cường chuyển đổi hàng hóa về Cái Mép và TP. HCM sẽ triển khai quy định thu phí hạ tầng cảng biển từ tháng 10/2021.

Kịch bản thứ 3: Dịch bệnh được kiểm soát vào giữa quý 4/2021, doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất vào các tháng cuối năm với đà phục hồi chậm hơn so với thời điểm thông thường do ảnh hưởng thời gian dài giãn cách. Dự kiến, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển TP. HCM và Cái Mép sẽ tương đương với 6 tháng đầu năm.

Chat qua zalo