Bắc Ninh - Ba băn khoăn lớn của doanh nghiệp

Đã trở lại làm việc nhưng các doanh nghiệp cho rằng còn gặp nhiều khó khăn trong bố trí ăn, ở, đi lại cho công nhân và thời gian yêu cầu cách ly còn ngặt nghèo.

Hơn 1.000 doanh nghiệp, hơn 304.000 lao động trở lại Bắc Ninh làm việc, đạt hơn 90% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19.

Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp nói như trên trong buổi đối thoại tháo gỡ vướng mắc sau dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh với hơn 180 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sáng 17/7.

Tại buổi đối thoại hầu hết các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Bắc Ninh cho phép người lao động ở ngoài tỉnh có thể tự lựa chọn phương tiện đi làm thay vì phải đi tập trung trên xe cùng đoàn, có nơi chỉ có một, hai công nhân nên việc bố trí xe đưa đó bất tiện, gây tốn kém.

Ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc BQL các khu công nghiệp Bắc Ninh

"Công ty tôi có những lao động hộ khẩu ở Hà Nội nhưng chỗ làm chỉ cách 1-2 km nên vẫn phải ăn ở tại công ty hoặc có xe đưa đón rất bất tiện, tỉnh có thể có phương án nào khác để tạo thuận lợi được không", đại diện Công ty Unilever Việt Nam nói.

Trả lời câu hỏi trên, ông Mai nói trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên vẫn phải có xe đưa đón.

"Nếu để công nhân tự đi xe máy thì khó có thể kiểm soát quá trình di chuyển, nếu mắc phải dịch thì không dễ để truy vết gây ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp đó", ông Mai nói và cho biết những ngày tới tuỳ diễn biến dịch của các tỉnh lân cận có thể thay đổi quy định này.

Băn khoăn thứ hai là việc xét duyệt nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài và rút ngắn thời gian cách ly của các đối tượng này. Ông Nguyễn Hà Long, đại diện Công ty Diana Unicharm nói công ty sắp tới sẽ lắp đặt dây truyền mới, cần chuyên gia sang để thực hiện và muốn giảm thời gian cách ly.

Đại diện Công ty Diana Unicharm bày tỏ băn khoăn

"Theo quy định hiện tại cần phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó cách ly tại khách sạn 14 ngày nữa mới được đi làm. Thời gian như vậy ảnh hưởng đến quỹ thời gian làm việc", vị này nói.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết tháng 4-5 dịch diễn biến phức tạp nên hồ sơ xin nhập cảnh cho chuyên gia bị tồn đọng hơn 300 người, con số này là rất lớn. Để hỗ trợ doanh nghiệp có đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên làm việc ông Tuấn đề nghị.

"Ngay trong tuần tới Ban Quản lý các khu công nghiệp tập hợp danh sách, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ chủ trì làm việc với tổ tư vấn để xem xét tất cả yếu tố liên quan như dịch tễ, thủ tục để giải quyết tồn đọng hồ sơ. Những quốc gia nào đảm bảo dịch tễ thì sẽ duyệt luôn, nơi nào chưa đảm bảo thì sẽ thông tin lại ngay cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp chủ động", ông Tuấn nói.

Về phương án giảm thời gian cách ly, bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế cho biết đang xây dựng phương án để báo cáo tỉnh. Tinh thần sau 14 ngày cách ly tập trung, chuyên gia có thể đi làm việc nhưng phải đảm bảo độc lập trong vị trí ở, đi làm việc trong một đường riêng, độc lập trong vị trí làm việc (có phòng riêng, không tiếp xúc), đảm bảo số lần xét nghiệm trong 14 ngày.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

Băn khoăn thứ ba là việc các doanh nghiệp phải bố trí cho người lao động ăn ba bữa tại công ty gây tốn kém và mất thời gian. Lãnh đạo ban Quản lý các khu công nghiệp nhận định Bắc Ninh có kết quả chống dịch như hôm nay là nhờ quyết sách này.

Trả lời, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho rằng công nhân là đối tượng cần được bảo vệ để không làm đứt gãy sản xuất thì quy định công nhân ăn ba bữa tại nhà máy là bắt buộc, không thể có chuyện thích ăn hay không thích ăn.

Các doanh nghiệp bố trí công nhân ra về ca tối chậm nhất là 20h hằng ngày, 21h công nhân về đến nhà thì các chủ nhà trọ phải điểm danh, tất cả hộ kinh doanh lân cận nhà trọ phải đóng cửa. Đối với ca đêm thì phải bố trí ăn tối, đêm, sáng và khuyến khích chuẩn bị thêm xuất ăn trưa để công nhân mang về.

"Chậm nhất đến cuối tháng 9 các công ty bố trí mỗi công ty ở một khu nhà trọ, không cho nhiều công ty ở một khu để khi có ca nhiễm thì dễ dàng truy vết và chỉ ảnh hưởng một nhà máy", ông Tuấn nói.

Chat qua zalo