Bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
Ngày:24/02/2020 11:26:58 SA
Bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng; 5 xu hướng nổi bật của thị trường bất động sản năm 2020... là một số tin tức nổi bật 24h qua.
Bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
Từ 1/4/2020, chính thức bãi bỏ hàng loạt quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản…
Chính phủ ban hành Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó Nghị định 21, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng như: Bỏ quy định xử phạt với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; Thẩm tra dự án đầu tư xây dựng (trước đây bị phạt 30 - 40 triệu đồng);...
5 xu hướng nổi bật của thị trường bất động sản năm 2020
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bước vào hành trình hội nhập quốc tế và xây dựng một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Các hiệp định thương mại quốc tế đã giúp Việt Nam có cơ hội hợp tác với 60 quốc gia trên toàn cầu và hỗ trợ Việt Nam trên con đường trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Trong vòng hai thập kỷ tới, Việt Nam sẽ bước vào độ tuổi dân số vàng. Số người lao động làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ đã tăng cao. Thê hệ Millenial sẽ trở thành động lực thúc đẩy chính của nền kinh tế trong vài năm tới.
Bước sang ngưỡng của thập kỷ mới, 5 xu hướng chính mà các nhà đầu tư nên chú ý trong năm 2020. Một trong số đó là: ngành bán lẻ có tương lai rộng mở; thủ tục phê duyệt ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở; công nghệ giúp nâng cao giá trị bền vững...
Bất động sản công nghiệp vẫn sôi động bất chấp “đại dịch” Covid-19
Năm 2020 được dự báo sẽ là một năm khó khăn của ngành bất động sản và sẽ khó hơn khi dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra tại Việt Nam. Nhận thấy rõ nét nhất là sự ảnh hưởng tới ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng và có thể sẽ còn kéo dài tới quý II/2020, gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, ở những phân khúc bất động sản khác theo các chuyên gia dự báo sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi dịch bệnh corona như bất động sản khu công nghiệp và mảng cho thuê. Quan sát thị trường có thể thấy, hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quyết định thành lập, khởi công xây dựng ở các địa phương.
Điển hình như, UBND TP. Thanh Hoá mới đây quyết định thành lập cụm công nghiệp Vân Du, huyện Thạch Thành với diện tích 50ha, tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động là cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm thuỷ sản; sản xuất máy móc thiết bị nông, lâm nghiệp, hàng tiêu dùng, thuốc tân dược, phân bón hữu cơ, may mặc, da giày và các ngành nghề khác có liên quan.
Hiệp hội BĐS Nha Trang - Khánh Hòa: Kiến nghị hỗ trợ các khoản vay và thuế
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Nha Trang - Khánh Hòa vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và Cục Thuế tỉnh có biện pháp hỗ trợ kinh doanh nhằm khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh xem xét và có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ đầu tư được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giãn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ, không tính lãi hoặc giảm lãi suất vay ngân hàng trong thời gian khắc phục hậu quả cho đến khi ổn định. Hiệp hội cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh và Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho các doanh nghiệp được nợ thuế, giảm thuế hoặc miễn thuế để các doanh nghiệp duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn.
Theo Hiệp hội BĐS Nha Trang - Khánh Hòa, hiện nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, có nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng.
“Bận quá thì họp ngoài giờ để gỡ cho bằng hết”
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chỉ đạo các cơ quan ban ngành nếu cần thiết thì làm việc ngoài giờ để gỡ vướng cho các dự án “đứng bánh”.
Sau khi lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và các doanh nghiệp bất động sản về những vướng mắc cần tháo gỡ, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo UBND TP đã ghi nhận nhận tất cả các kiến nghị và sẽ bắt tay tìm hướng giải quyết, sắp xếp những việc cần làm gấp để kịp thời xử lý.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các lãnh đạo Sở, ngành phải có giải pháp quyết liệt hơn, không để một vấn đề nhỏ mà kéo dài thời gian lên đến cả năm trời. Sau cuộc họp, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến gửi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị Thủ tướng hoặc Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng phối hợp các bộ, ngành báo cáo về các vướng mắc, hoạt động của các doanh nghiệp để tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng phát triển.
Đề cập đến 19 doanh nghiệp có dự án đang bị đình trệ, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị hình thành tổ công tác, cho gia hạn đến 30/4 sẽ xong, trong tháng 6 sẽ dứt điểm về thông tin xử lý cho các dự án. UBND TP mỗi tuần sẽ họp 1-2 lần, đề nghị Sở Xây dựng và Sở Tài Nguyên Môi trường phân công tổ công tác hàng tuần tham gia cuộc họp. Thậm chí, làm việc ngoài giờ, cuối tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.