Báo Anh: Tại sao các nhà đầu tư coi Việt Nam là ngôi sao tiếp theo đang phát triển
Ngày:17/10/2019 12:00:07 CH
Khi tôi đi du lịch Thái Lan, tôi đã có suy nghĩ rằng, một vài năm nữa thôi, Việt Nam cũng sẽ như vậy. Nếu bạn muốn biết TP.HCM sẽ trông như thế nào trong tương lai, tôi nghĩ, Bangkok là câu trả lời gần đúng cho thắc mắc đó của bạn. Với tốc độ phát triển như hiện nay, nếu có ai đó nói Việt Nam phải mất đến 10 năm hay 20 năm nữa mới được như Thái Lan thì tôi sẽ rất ngạc nhiên đấy.
Việt Nam có quy mô dân số hơn 95 triệu dân, một nửa trong số đó ở độ tuổi lao động và hai phần ba dưới 35 tuổi, họ được giáo dục tốt và rất nỗ lực. Một cô bé 11 tuổi tôi gặp ở Hà Nội đã nói: "Nếu cháu học giỏi và biết tiếng Anh, lớn lên cháu có thể kiếm được nhiều tiền hơn".
GDP đang tăng trưởng ở mức xấp xỉ 7% một năm, và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong tương lai gần. Phần lớn sự tăng trưởng đó đang được thúc đẩy bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Samsung đã sản xuất phần lớn sản phẩm điện thoại thông minh tại Việt Nam.
Hoạt động sản xuất lớn thứ hai của Intel bên ngoài Hoa Kỳ cũng ở đây. Những đôi giày và nhiều bộ quần áo bạn đang mặc, rất có thể được sản xuất tại Việt Nam.
Sự hấp dẫn chính là ở chi phí. Tiền lương ở Việt Nam hiện chỉ tương đương khoảng một phần ba ở Trung Quốc và lực lượng lao động vẫn đang tiếp tục phát triển, với một triệu lao động mới tham gia vào thị trường mỗi năm. Bên cạnh đó, mức nợ tương đối thấp, lạm phát được kiểm soát và tỷ giá ổn định.
Vị trí địa lý cũng là một lợi thế của Việt Nam. Nằm ở sườn phía nam của Trung Quốc, Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân này. Cùng với đường bờ biển dài hàng ngàn km, Việt Nam cũng có tiềm năng để phát triển hệ thống cảng lớn hơn nữa. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện, nhưng nó đang được cải thiện nhanh chóng.
Ẩn số lớn là mức độ hưởng lợi của Việt Nam từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Một mặt, Việt Nam là một sự thay thế rõ ràng cho các công ty tìm cách để giảm tiếp xúc với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi châu Á sang Mỹ đã tăng 10%. Việt Nam nổi bật lên, với mức tăng 33%, đáng chú ý là các mặt hàng điện tử.
Tuy nhiên, chi phí chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là không hề rẻ. Với việc Mỹ chiếm chưa tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, nhiều công ty sẽ "chờ bão tan" và chờ đợi thời điểm tốt hơn.
Bản thân Việt Nam không chỉ là một cơ sở sản xuất lớn, mà còn là một thị trường tiềm năng cho các tập đoàn dịch vụ và hàng tiêu dùng lớn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng cao 11,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.634,8 nghìn tỷ VND (khoảng 156,6 triệu USD). cho thấy cầu tiêu dùng trong dân đang mở rộng đáng kể.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trung bình đạt khoảng 90% và truy cập internet đã tăng gấp đôi trong vòng 6 năm.
Đô thị hóa là một động lực chính khác của tăng trưởng tiêu dùng. Với chưa tới 40% dân số sống ở các thành phố, Việt Nam vẫn còn đứng sau các nước láng giềng khu vực như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc - tất cả đều có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa dự kiến sẽ được đẩy nhanh tốc độ trong thời gian tới.