Bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước khi cơ cấu lại doanh nghiệp
Ngày:02/03/2020 10:02:14 SA
Nhận diện những khó khăn
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ cho biết, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua, có giai đoạn đạt kết quả tích cực. Riêng công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đi vào thực chất, có hiệu quả, bảo đảm minh bạch và công khai hơn. Tính chung từ năm 2016 đến 2019, cả nước đã CPH 162 doanh nghiệp (DN) với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt hơn 205.433 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị thực hiện cả giai đoạn 2011 - 2015. Ðặc biệt, số thu từ CPH, thoái vốn đạt hơn 218.255 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ CPH và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước. Tuy nhiên, công tác CPH còn vướng mắc cả thể chế và tổ chức thực hiện, nhất là ở khâu sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất trước CPH và những bất cập trong các nghị định liên quan.
Về công tác tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng lưu ý, đến nay vẫn còn nhiều DN, tổng công ty chậm, ngại đổi mới theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số bộ, ngành, địa phương trọng điểm đang thực hiện rất chậm, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do đó, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu hai địa phương này. Nhiều DN sau CPH chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng việc kiểm tra và xử lý rất hạn chế. "Chưa có ai bị kỷ luật, cách chức, kể cả phân loại đánh giá cán bộ cuối năm vì thua lỗ và không thực hiện niêm yết công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán. Phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, đánh giá, nguyên nhân do đâu, xử lý trách nhiệm như thế nào...", Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng thông tin thêm, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện CPH, thoái vốn gặp nhiều khó khăn. Ban Ðổi mới và Phát triển DN sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này để bảo đảm công tác CPH, thoái vốn hết sức khách quan, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước. Các DN thuộc diện CPH, thoái vốn trong giai đoạn này có giá trị rất lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai trải dài trên cả nước, cho nên công việc triển khai thực tế rất khó khăn. Do đó, hiệu quả của công tác này cần được đánh giá, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh.
Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng tỏ ý lo ngại khi đến ngày 30-9-2019, mới có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QÐ-TTg (đạt 29% kế hoạch), trong đó trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 DN, chiếm 71%. Ðiều này chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ CPH, thoái vốn DN từ nay đến năm 2020 cũng như kế hoạch nộp 250 nghìn tỷ đồng tiền thu từ CPH, thoái vốn về ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. "Trong thực tế, DN gửi hồ sơ phê duyệt phương án sử dụng đất đến địa phương, nhưng cả tháng không được trả lời. Cứ đà này, đơn vị lớn 5 năm tới cũng không CPH xong. Năm 2020, theo kế hoạch còn nộp về NSNN 45 nghìn tỷ đồng nữa, nếu không quyết liệt đẩy mạnh tiến độ CPH, thoái vốn ngay từ bây giờ, chỉ tiêu này rất khó hoàn thành. Ðây là vấn đề lớn phải có sự vào cuộc thực sự và phối hợp rất chặt chẽ của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương", Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Hoàn thiện khung pháp lý
Trước thực trạng hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN chưa được như kỳ vọng, tiến độ CPH, thoái vốn gặp nhiều khó khăn, việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đất đai. Mặc dù các nghị định liên quan đã được sửa đổi (Nghị định 126/2017/NÐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định 167/2017/NÐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công), nhưng trên thực tế đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về xác định cơ quan nào là cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất của DN trước khi CPH, khiến cho những vướng mắc về đất đai trở thành nguyên nhân cản trở công tác CPH của nhiều DN. Bên cạnh đó, Công văn 4544/BTC-TCDN của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất còn yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tiến hành rà soát xây dựng phương án cho cả đất đai công ty mẹ, con, cháu, gây ách tắc lớn. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đã giao Bộ Tài chính rà soát lại tính pháp lý của Công văn 4544/BTC-TCDN, nếu cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp. Cùng với đó, yêu cầu các bộ, ngành liên quan nhận diện rõ những vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ về vấn đề xác định "giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa…" của các DNNN trong quá trình CPH.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, để hoàn thành công tác cơ cấu lại DNNN, ngay trong quý IV-2019 phải tập trung thực hiện hai việc quan trọng. Một là, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN trực thuộc theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QÐ-TTg; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan nếu chậm thực hiện. Hai là, phải hoàn thành việc rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN, chậm nhất là cuối năm 2020. Về phía Bộ Tài chính sẽ rà soát, xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư có liên quan; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về thu, sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN...
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết đang tích cực triển khai hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cụ thể là hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng quy định lại tiêu chí DNNN gồm hai loại: DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN Nhà nước sở hữu hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, qua đó có thể nâng cao hiệu lực quản trị cũng như hiệu quả hoạt động của DNNN. Ðồng thời, tập trung xây dựng Nghị định của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và kiểm soát viên DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với các nội dung như: đối tượng; quy trình thành lập DNNN; sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, tạm ngừng kinh doanh; bán DN; giải thể DN. Tiếp tục hoàn thiện Quyết định phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 (thay thế Quyết định số 1232/QÐ-TTg)… Về quy định tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I-2020.
Sau khi tiếp nhận 12 dự án (DA) kém hiệu quả từ Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban) vẫn đang tiến hành xử lý. Trong số sáu nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ, đã có hai nhà máy hoạt động có lãi, bốn nhà máy đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ. Ðối với ba DA trước đây bị dừng sản xuất, kinh doanh, đến nay đã có một dự án vận hành sản xuất trở lại, hai dự án đủ điều kiện vận hành trở lại… Tuy nhiên, để xử lý có hiệu quả các DA này, cần có cách tiếp cận theo hướng đưa ra các giải pháp thu hồi vốn tốt nhất, không thể đặt ra mục tiêu thu hồi 100% vốn. Ðồng thời, phải trên cơ sở quy luật kinh tế, không thể áp đặt biện pháp hành chính. Tại các DA hiện nay hầu hết là thua lỗ và đã mất 50% vốn, nếu không xử lý trong 1 đến 2 năm tới, có thể 50% vốn còn lại sẽ hết sạch.
NGUYỄN HOÀNG ANH Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Nguồn: nhandan.com