Vì sao giá thuê bất động sản công nghiệp ở phía Nam tăng mạnh?
Ngày:06/03/2020 02:47:13 CH
Vì sao giá thuê bất động sản công nghiệp ở phía Nam tăng mạnh?
Thị trường bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam đang phải trải qua tình trạng thiếu quỹ đất sẵn sàng cho thuê. Mặc dù có rất nhiều yêu cầu thuê đất, tuy nhiên, nhiều thỏa thuận trong số đó đã không thể chốt thành các giao dịch thành công trong quý cuối năm 2019.
Đó là nhận định trong báo cáo thị trường của JLL Việt Nam mới đây. Theo đơn vị này, trong quý 4/2019, mặc dù nhu cầu cao nhưng lượng hấp thụ ròng BĐS khu công nghiệp không cao. Tình trạng này là do giá đất đã tăng cao và do việc thiếu quỹ đất có sẵn để cho thuê ở một số thị trường.
Tỉ lệ lấp đầy trung bình do đó chỉ tăng nhẹ ở mức khiêm tốn. Mặc dù có rất nhiều yêu cầu thuê đất, tuy nhiên, theo JLL, nhiều thỏa thuận trong số đó đã không thể chốt thành các giao dịch thành công trong quý vừa qua.
Bất động sản Cần Thơ năm 2020: Triển vọng tăng giá
Sau thời kỳ phát triển nóng và bước vào giai đoạn “đứng giá”, bất động sản Cần Thơ đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động trở lại khi địa phương này công bố bảng giá đất mới.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Đại diện Văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, trong quý II và quý III của năm 2019, lượng sản phẩm bất động sản giao dịch thành công ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tương đối ít, thị trường khá trầm lắng.
“Vào cuối năm, giao dịch có tăng trở lại nhưng vẫn chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, đánh giá chung về điểm sáng thị trường trong năm 2019 là có nhiều nhà đầu tư bất động sản được thành phố cấp chủ trương đầu tư và đi vào triển khai dự án. Mặt khác, ở những thời điểm thị trường bất động sản Cần Thơ chững lại cũng nằm trong xu hướng chung của cả nước, vì thế dân đầu tư cũng tạm ngưng giao dịch mua bán để nghe ngóng tình hình thị trường”, ông Đông nói.
Dẫu vậy, theo vị chuyên gia này, Cần Thơ đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng bởi còn nhiều tiềm năng.
Nhiều tỉnh lẻ mời gọi nhà đầu tư phát triển dự án khu đô thị
UBND tỉnh Hà Nam vừa mới có quyết định phê duyệt bổ sung danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh năm đối với dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị phía Bắc thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân.
Theo đó, dự án có diện tích hơn 180.529 m2, được xây trên khu đất chưa giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 390 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án hơn 338,7 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 49,7 tỷ đồng, chi phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa hơn 1,4 tỷ đồng.
Dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ 2019 - 2022, mục tiêu là xây khu nhà ở đô thị, có hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật đồng bộ.
UBND tỉnh Hà Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố danh mục dự án để lựa chọn nhà đầu tư, phối hợp với bên mời thầu là Ban quản lí phát triển Khu đô thị mới tỉnh Hà Nam giải quyết các thủ tục liên quan nhắm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.
Một địa phương khác là Lạng Sơn mới đây cũng đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất năm để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án khu nhà ở mới sinh thái sông Kỳ Cùng thuộc xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn.
Mức tăng giá bất động sản đã vượt thu nhập bình quân của người dân
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa có báo cáo "Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2019 - 2020”. Theo đó, đơn vị này cho biết, bất động sản là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế kéo theo thu nhập người dân được cải thiện đã dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu nhà ở trong những năm qua.
Từ một thị trường bất động sản chỉ phát triển tập trung tại một số thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội thì nay thị trường đã phát triển nở rộ, lan rộng ra nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai,...
Báo cáo này cũng cho thấy chỉ trong vòng 10 năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp thuộc nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản có quy mô vốn lên đến hàng tỷ USD như Vingroup, Novaland, Sun Group và FLC. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bất động sản trong dài hạn.
Song báo cáo này cũng cho thấy, mặc dù có những bước tiến đáng ghi nhận, song thị trường bất động sản Việt thời gian qua cũng đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, mặt bằng giá bất động sản nói chung đã tăng vọt lên 50%, có nơi cả 100% và thậm chí 200% chỉ trong vòng vài năm trong khi mức tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng gần 7%/năm, mức tăng thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ ở mức 7 - 8%/năm.
Một năm buồn với giới địa ốc: Giao dịch giảm sút, doanh nghiệp đua nhau… phá sản
Báo cáo vừa công bố của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết những con số đáng lưu ý của ngành bất động sản năm 2019.
Theo báo cáo này, kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018).
Trong đó, có 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Tiếp đến là các ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…
Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%.
Nguồn: raetimes.vn