Bất động sản công nghiệp còn giữ được ngôi vương qua 4 đợt bùng dịch
Ngày:11/10/2021 12:40:59 CH
Việt Nam, với các lợi thế sẵn có, dưới ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự chuyển dịch của hàng loạt các nhà máy khỏi Trung Quốc, cùng với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ có hiệu lực kéo theo các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đẩy mạnh dịch chuyển sản xuất và Việt Nam trở thành một điểm đến thay thế Trung Quốc. Và từ đó bất động sản công nghiệp Việt Nam nổi lên, là một điểm sáng từ năm 2020.
Dù được đánh giá là phân phúc hiếm hoi không lao dốc theo xu hướng chung của thị trường địa ốc, song, bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng đã trải qua 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19 và chịu không ít ảnh hưởng tiêu cực.
Phải kể đến như hồi tháng 5, tỉnh Bắc Giang phải tạm dừng 4 khu công nghiệp để chống dịch đã có những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy trong khu công nghiệp, theo ước tính 140.000 công nhân phải tạm nghỉ và mỗi ngày mỗi ngày Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn vừa qua, tại nhiều tỉnh ở phía Bắc, một số nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài đã vận hành trở lại sau một thời gian đóng cửa. Tuy nhiên, tại phía Nam, một số phân xưởng và bộ phận nhà máy tại các khu công nghiệp vẫn trong tình trạng tạm ngưng hoạt động.
Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất có thể gây ảnh hưởng nhất định đến đà tăng trưởng chung, trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại một số địa phương đặc biệt là các tỉnh phía Nam tuy có dấu hiệu giảm xuống và dần kiểm soát được những vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Do đó, về về lâu dài, bất động sản công nghiệp Việt nam có còn giữ được vị trí “ngôi vương”?
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Duy Hưng - Tổng giám đốc Cổng thông tin bất động sản công nghiệp Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp Việt Nam dù có chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch nhưng xét trên bình diện chung ở Việt Nam thì vẫn là phân khúc dẫn dắt thị trường bất động sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Bởi có nhiều yếu tố thuận lợi liên quan đến vị trí địa lý, nhân lực, ổn định chính trị, đặc biệt là định hướng của Chính phủ tăng cường tiêm vacxin, định hướng vừa sản xuất vừa kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh đầu tư công,… Ngoài ra, trong thời điểm bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, rất nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc.
Cũng theo ông Đoàn Duy Hưng, các khu công nghiệp có vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, do đó, đầu tư vào bất động sản công nghiệp là đầu tư mang tính chất dài hạn, không phụ thuộc vào yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh. Ngoài ra, không chỉ có Việt Nam bị ảnh hưởng của Covid-19 mà các nước khác đang là đối thủ của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trên thế giới như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, . . . và ngay cả Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, về mặt tổng quan, bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc tiềm năng. Còn giai đoạn hiện tại, đây vẫn là phân khúc hoạt động tốt bất chấp dịch, chỉ trừ một số khu vực bị ảnh hưởng mạnh như Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương chịu giãn cách và chính sách “ba tại chỗ”.
“Bất động sản công nghiệp hiện tại vẫn nằm trong xu thế chung của sự phát triển. Do đó, cả về mặt ngắn hạn và dài hạn vẫn là một loại hình tốt. Nhưng đây là cuộc chơi không dành cho các tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ mà dành cho các Tập đoàn, công ty có nguồn lực tài chính mạnh”, ông Hưng nhấn mạnh.
Dưới ảnh hưởng của Covid-19 và khả năng kiểm soát dịch bệnh, thị trường bất động sản công nghiệp đang chia ra làm hai địa bàn khác biệt.
Trong khi Miền Nam thì khá ảm đạm về nguồn cung đất công nghiệp, nhà xưởng cho thuê và thu hút đầu tư thì Miền Bắc vẫn sôi động các lĩnh vực này.
Trong thời gian tới, nếu Miền Nam vẫn không kiểm soát tốt được đại dịch Covid-19 cộng với việc một lượng lớn người lao động đã rời TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai để về quê do đó việc khôi phục sản xuất lại ở các tỉnh này sẽ gặp nhiều khó khăn và ngay cả khi kiểm soát được dịch thì việc thiếu công nhân là một bài toán lan giải cho các doanh nghiệp tại các địa bàn này và chưa thể khắc phục được trong ngắn hạn từ 6 tháng tới 1 năm cho vấn đề công nhân.
Trong khi đó, hiện nay các tỉnh Miền Bắc đang kiểm soát tốt dịch bệnh cộng thêm có nhiều công nhân từ Miền Nam trở về quê, nếu các tỉnh Miền Bắc vẫn kiểm soát được dịch như hiện nay thì vẫn sẽ thu hút được đầu tư và có thể sẽ có làn sóng dịch mở rộng địa điểm đầu tư từ các doanh nghiệp phía Nam ra phía Bắc.