Bất động sản công nghiệp, logistics châu Á - Thái Bình Dương sẽ hút khoảng 60 tỷ USD

Trong vòng 5 năm tới, các nhà đầu tư đang tìm mọi cách để giải ngân vốn, tăng thị phần vào lĩnh vực này.

Tập đoàn tư vấn đầu tư bất động sản JLL dự báo khối lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp sẽ tăng từ 25-30 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 lên 50-60 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.

Dòng vốn này được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây.

Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, việc thay đổi mạng lưới chuỗi cung ứng và nhu cầu phân bổ lại ví trí đặt nhà máy của các doanh nghiệp.

Theo ông Tom Woolhouse, Giám đốc bộ phận Hậu cần và Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của JLL, các thương vụ đầu tư mới tập trung sự tăng trưởng thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng.

Góp phần vào khối lượng đầu tư là hàng loạt các danh mục đầu tư lớn và những thương vụ “khủng” đang diễn ra.

Dân số đô thị của châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 41 triệu người mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2025.

Trong cùng giai đoạn trên, sẽ có thêm 760 triệu người tham gia vào tầng lớp trung lưu và thu nhập sẽ tăng 4% hằng năm, cho thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể đối với lĩnh vực hậu cần.

Theo nghiên cứu của JLL, trong 6 tháng qua, một số lượng kỷ lục các thương vụ công nghiệp và hậu cần lớn được giao dịch tại khu vực này.

Trong đó, công ty hậu cần bất động sản ESR mua lại danh mục đầu tư bao gồm 45 nhà kho và tài sản hậu cần thuộc sở hữu của danh mục Milestone của Blackstone tại các thủ đô lớn của Úc.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chỉ mới bắt đầu tái phân bổ danh mục đầu tư và cần tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics lên 40-50% trong thời gian tới khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản tạo ra thu nhập ổn định.

Khối lượng đầu tư dự kiến sẽ tăng mạnh ở Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc, những nơi có sẵn các kho hậu cần hiện đại phục vụ cho thương mại điện tử đang bùng nổ.

Việt Nam đang là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, số lượng các quỹ đầu tư cốt lõi tiếp cận những lĩnh vực này ngày càng tăng. Khả năng diễn ra nhiều thương vụ M&A hoặc cho thuê lại với quy mô lớn.

Không ít chủ sở hữu đang sử dụng phương án này để giải ngân vốn đầu tư nhằm nâng cấp cơ sở vật chất và triển khai các giải pháp công nghệ mới vào kho bãi và quản lý chuỗi cung ứng.

Ở Việt Nam, thương vụ Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty KTG Industrial của Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

ESR Cayman Limited - nền tảng bất động sản hậu cần tập trung lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BW) bắt tay lập liên doanh mới với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m2 tại khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần TP.HCM.

Việc hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR Cayman Limited vào thị trường Việt Nam, mở rộng thêm phạm vi hoạt động của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường là Công ty Cổ phần công nghiệp khu công nghiệp Việt Nam cũng đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. 

Khu công nghiệp Việt Nam hiện đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho vận chất lượng cao, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An.

Riêng Công ty cổ phần Vinhomes cũng khẳng định năm nay sẽ tập trung phát triển bất động sản công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng.
Trong năm 2020, Vinhomes đã chính thức tham gia vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và kỳ vọng sẽ có doanh thu lớn từ mảng này trong tương lai.

Chat qua zalo