Bất động sản công nghiệp miền Nam xuất hiện nhà xưởng 4.0

Theo CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp ở khu vực miền Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy thời gian qua.

Nguồn: CBRE Viet Nam

Tổng quan thị trường khu công nghiệp miềm Nam (Nguồn: CBRE Viet Nam)

Cụ thể, tại các khu công nghiệp của 4 tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam, tỷ lệ lấp đầy bình quân ghi nhận đạt khoảng 84,5%. Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ lấp đầy bình quân là 80%. Riêng TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này đạt trên 90%.

Số lượng khu công nghiệp mới chào thuê đất tại thị trường miền Nam, theo CBRE Việt Nam là khá hạn chế. Chỉ có 4 khu công nghiệp mới xuất hiện tại khu vực công nghiệp trọng điểm vùng. Tổng diện tích đất tự nhiên của khu công nghiệp mới đạt 1.373,8 ha với nguồn cung đất công nghiệp cho thuê dự kiến ở mức 906 ha.

Dù là điểm sáng và vẫn đang là khu vực đón nhận nhiều quan tâm trong chiến lược nền kinh tế “lót ổ đón đại bang”, thị trường bất động sản công nghiệp thời gian qua cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng của COVID-19.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, P.GĐ Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam cho biết CBRE ghi nhận mức giá chào thuê đất tại một số khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai và Long An tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tuy nhiên, giá chào thuê ở mức cao cộng với 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra những khó khăn cho thị trường. Với tình hình đó, chủ đầu tư các khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ khách thuê bao gồm việc giảm giá thuê và phí duy tu hạ tầng cho 1 số trường hợp (từ 10-30%), cơ cấu lại kỳ hạn thanh toán và miễn giảm tiền thuê cho các doanh nghiệp mới thiết lập nhà xưởng trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Điều này giúp kìm hãm đà tăng giá tốc độ tăng trưởng giá chào thuê đất trong quý III/2020 so với quý trước” - bà Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, CBRE ghi nhận thị trường nhà xưởng xây sẵn đang chững lại, nguyên do là nguồn cung mới dồi dào và hoạt động thuê bị trì hoãn do khách thuê nước ngoài không thực hiện được khảo sát thực tế - một tác động khác của COVID-19 trong việc kết nối đi lại đầu tư.

Điểm sáng khác của thị trường bất động sản công nghiệp miền Nam, cũng theo CBRE Việt Nam là sự tập trung ở nhu cầu mở rộng khả năng lưu trữ và mạng lưới phân phối của các công ty thương mại điện tử và kho vận. Xu thế tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử trong dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục nhận ra giá trị của đầu tư kho vận để phục vụ cho chuỗi cung ứng theo cách thức mới.

Cũng theo báo cáo CBRE Viet Nam, để thích ứng với tình hình mới, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đã có sự thay đổi trong việc phát triển sản phẩm. Trong đó, nổi bật là ứng dụng công nghệ vào việc quản lý và vận hành nhà xưởng, cung cấp các gói dịch vụ pháp lý, nhân sự…

Điều đó dần tạo nên mô hình tích hợp giữa cung cấp bất động sản lẫn dịch vụ hỗ trợ đầu tư và quản lý trên thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Có thể gọi đây là những nhà xưởng 4.0 với nhiều tiện ích mới, thân thiện môi trường và cập nhật công nghệ.

Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp lớn cũng sẽ phải dịch chuyển theo các xu hướng mới (ảnh: Sonadezi)

Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp lớn cũng sẽ phải dịch chuyển theo các xu hướng mới (ảnh: Sonadezi)

Ngoài ra, mô hình kho cao tầng cũng đã bắt đầu xuất hiện nhằm tạo ra không gian lưu trữ lớn hơn cho nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, ở những khu vực quỹ đất công nghiệp có sự hạn chế mở rộng. Trên thực tế, mô hình này đã xuất hiện từ trước đại dịch COVID-19 và được thí điểm bởi một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản công nghiệp, điển hình là Bất động sản Long Hậu.

Một yếu tố khá đáng được chú ý nhưng không được đề cập, sau đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 2, làn sóng “lót ổ đón đại bàng” tuy đã chững lại trên các phương tiện thông tin, song thực tế theo kế hoạch của các chủ đầu tư đã chuẩn bị từ trước đó và sẵn sàng cho khi nền kinh tế/chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng đầu tư mới hoặc M&A trên thị trường bất động sản đang khá nổi trội.

Đồng Tâm Group mới công bố khu công nghiệp trong quy mô dự án khủng của Khu công nghiệp, Đô thị và Cảng quốc tế Long An; hay việc Phát Đạt gia nhập thị trường bất động sản thông qua lập Công ty Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp vốn 680 tỷ đồng và có thể M&A để phát triển quỹ đất cho dự án lớn khu công nghiệp quy mô lớn… là những ví dụ.

Chat qua zalo