Bất động sản công nghiệp tạo đà cho thị trường logistics tăng trưởng
Ngày:23/06/2020 03:46:18 CH
Hiệp định Thương mại EVFTA có hiệu lực giúp thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các nước, góp phần tạo điều kiện cho thị trường logistics phục hồi và phát triển. Các doanh nghiệp logistics đã có những động thái chuẩn bị đón sóng đầu tư FDI từ nước ngoài.
Thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 kết hợp với dòng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ là đòn bẩy cho bất động sản Việt Nam tỏa sáng. Điều này đã kéo theo dịch vụ vận tải logistics ở Việt Nam tăng nhanh.
Tránh rủi ro từ "bỏ trứng vào một giỏ" và cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, các doanh nghiệp từ Trung Quốc ồ ạt tìm kiếm "cứ điểm mới" nhằm ổn định sản xuất kinh doanh. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới, đồng thời là nền tảng thiết yếu để phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ logistics.
Năm bắt thời cơ này nhiều tỉnh sở hữu lợi thế tiềm năng về cảng biển đã nhanh chóng phê duyệt quy hoạch phát triển trung tâm logistics. Trong đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa Quyết định phê duyệt việc lập quy hoạch Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương theo tỷ lệ 1/500 tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Phát triển Trung tâm logistics phía sau cảng Sơn Dương sẽ tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng kết nối cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng với các vùng khác. Vị thế này không chỉ là trung tâm logistics chính của tỉnh, đảm bảo vai trò là Trung tâm logistics trong phạm vi Hà Tĩnh, khu vực miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và phục vụ các hoạt động giao thương Quốc tế.
Trước đó, UBND thành phố Hải Phòng cũng vừa ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất khu vực miền Bắc, năm 2019 lưu lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 130 triệu tấn. Đây cũng là địa bàn có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Mặc dù vậy, để giúp ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích thúc đẩy, tạo động lực cho doanh nghiệp. Vì đa phần doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu và yếu khi tiếp cận các khách hàng từ đối tác lớn.
Trong đó, Việt Nam được xem là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức tại khu vực châu Á với hơn 4.000 doanh nghiệp Đức đang xuất khẩu tại Việt Nam. Do đó, để đẩy mạnh việc thu hút các đơn hàng từ doanh nghiệp FDI, thì doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển Việt Nam cần bổ sung rất nhiều yếu tố quan trọng về nguồn lực tài chính, quy mô năng lực, trình độ kỹ thuật cũng như mức độ tín nhiệm cao trong hoạt động logistics.
Đánh giá về nguồn nhân lực ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện tại doanh nghiệp logistics của chúng ta còn thiếu nhân lực về công nghệ, trong khi đó doanh nghiệp logistics ngoại không có thế mạnh về kho bãi, nhưng họ sở hữu được nhiều đơn hàng lớn có liên kết với doanh nghiệp nước ngoài do họ nắm bắt được công nghệ và nguyên nhân do tập quán bán hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy để cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà thì ngành logistics Việt phải nỗ lực hơn nữa trong công cuộc điều hành, quản lý đơn hàng, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ để có một lộ trình cải cách cụ thể giúp logistics phát triển.
Bên cạnh đó, VLA cũng cho rằng, cần chọn một số doanh nghiệp uy tín trong vận tải biển và dịch vụ logistics và tạo chính sách giúp họ có chiến lược đường dài như chính sách thuế, giảm lãi vay, hỗ trợ nguồn vốn cho vay vốn. Chính phủ có thể kêu gọi các ngành nghề khác ủng hộ đơn vị này. Cùng với đó cần phát triển vận tải đường sắt trong hoạt động logistics.