Bất động sản công nghiệp tiếp tục lên giá do nhu cầu mạnh

Báo cáo mới nhất tổng quan thị trường 9 tháng đầu năm 2019 của Công ty Tư vấn JLL Việt Nam cho biết giá thuê trung bình tại các khu công nghiệp miền Bắc đạt 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng giá sẽ còn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do nhu cầu mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp tại các tỉnh phía Bắc tiếp tục hút nhà đầu tư ngoại

Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc vẫn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất. Đến quý III/2019, tỷ lệ lấp đầy trung bình ghi nhận ở tất cả các khu công nghiệp hoạt động tại 5 tỉnh, thành phố năng động nhất vùng (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương) đạt 69%, tăng 200% so với quý I/2019. Trong đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về Hà Nội, Hưng Yên.

Theo JLL, số lượng lớn nhu cầu gia tăng hiện nay đến từ các nhà sản xuất muốn rời khỏi Trung Quốc là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến tranh thương mại kéo dài và cả những doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất.

Trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam nổi lên là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Khu kinh tế trọng điểm miền Bắc đang là điểm đến hấp dẫn nhờ sở hữu vị trí chiến lược, hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Đến cuối quý III/2019, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc đạt 9.371 ha và nguồn cung mới tiếp tục gia tăng. Bắc Ninh, Hải Phòng là hai thị trường công nghiệp hàng đầu tại khu vực này vẫn còn có đất trống để chào đón nhà đầu tư.

"Giá thuê trung bình tại thị trường đạt 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,7% so với năm và đang ở giai đoạn tăng nhanh nhất trong chu kỳ giá", JLL nhìn nhận.

Ngoài Hà Nội là trung tâm kinh tế, có giá cao nhất, thì Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn có mức giá thuê dẫn đầu thị trường nhờ nền tảng công nghiệp mạnh và danh mục khách thuê hiện hữu lớn. Giá thuê trung bình hàng tháng cho nhà máy dao động từ 4-5 USD/m2/tháng tại khu vực miền Bắc.

Tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng), ông Vũ Công Trụ, Giám đốc chiến lược và Marketing tại Tập đoàn Sao Đỏ, cho biết, cảng Nam Đình Vũ đã thu hút được 19 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Theo ông Trụ, tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu của Nam Đình Vũ đạt 138 triệu USD. Công ty đang đẩy mạnh hoạt động marketing, xúc tiến thu hút đầu tư để tiếp tục hút dòng vốn FDI cùng các nhà đầu tư ngoại đến với cảng Nam Đình Vũ cùng kỳ vọng doanh số có thể đạt 500 triệu USD đến 1 tỷ USD vào năm 2020.

Giá thuê trung bình tại Nam Đình Vũ là 75 USD/m2. Khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Cát Hải, nên doanh nghiệp đến thuê tại đây cũng được hưởng lợi về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm (miễn phí thuế trong 4 năm đầu, trong 9 năm sau giảm 50% thuế). Đây cũng là một trong những lợi thế giúp Khu công nghiệp Nam Đình Vũ hút nhà đầu tư.

Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục có nhiều triển vọng tăng trưởng cả về nhà đầu tư và giá cho thuê.

JLL cho biết, các nhà đầu tư mới phần lớn từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ vẫn quan tâm đến bất động sản công nghiệp của Việt Nam do làn sóng các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.

"Giá đất dự kiến sẽ liên tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm do nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư", JLL nhận định.

Riêng tại Bắc Ninh, giá đất đã tăng 12% so với năm ngoái và dự kiến sẽ còn tăng. Có khoảng 615 ha đất công nghiệp đã được lên kế hoạch để tung ra thị trường trong 12 tháng tới.

Tập đoàn Sharp cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi công ty sản xuất giày Brooks Running của Mỹ cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước lân cận.

Tuy nhiên, các công ty đã có mặt tại Việt Nam cũng đưa ra những mối lo ngại trong việc tìm kiếm nguồn lao động tay nghề cao, và hàng loạt những yêu cầu trong chuỗi cung ứng có chất lượng tương ứng với nguồn hàng mà họ đã sử dụng ở Trung Quốc.

Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đón đầu những lợi ích của các công ty di chuyển đến đây, Việt Nam sẽ cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và quá trình thực hiện các giao dịch xuyên biên giới.

Chat qua zalo