Bất động sản công nghiệp, vùng ven đón sóng
Ngày:24/12/2019 03:47:17 CH
Dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp, và các tỉnh vùng ven đang được hưởng lợi từ những con sóng này.
FDI đổ vào công nghiệp
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây.
Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo lĩnh vực, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 12 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,38 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các số liệu nói trên đã phần nào cho thấy sức nóng của lĩnh vực công nghiệp, bao gồm cả công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản công nghiệp, khi cả hai lĩnh vực này đều chia nhau hai vị trí cao nhất trong các lĩnh vực thu hút vốn.
Không phải đến năm 2019, xu hướng dòng vốn chảy vào công nghiệp, bất động sản công nghiệp mới bắt đầu, Xu hướng này đã diễn ra mạnh mẽ từ trước đó. Năm 2018, tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam đạt gần 35,46 tỷ USD, trong đó tổng vốn FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế và vốn tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD.
Ông Greg Ohan, Phó tổng giám đốc Công ty BW Industrial cho biết: "Chúng tôi đang nhìn thấy một luồng vốn đầu tư lớn vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, tương tự như tại Trung Quốc những năm trước đây”.
Nhìn nhận về tiềm năng của phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, trở thành điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Các địa phương hào hứng
Dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực công nghiệp, chế tạo và bất động sản công nghiệp đang tạo ra sự hưng phấn nhất định cho các địa phương, nhất là các địa phương có kết nối hạ tầng tốt với giao thông đường bộ, đường thủy, có thể kể đến: Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên.
Nhìn nhận về tiềm năng của Hải Phòng, ông Steven Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong việc đầu tư hạ tầng thời gian qua. Thời gian tới, đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ tiếp tục được đầu tư để kéo dài đến Móng Cái. Từ Hải Phòng đến Móng Cái hiện chỉ mất 3 giờ di chuyển, thêm 8 giờ là có thể vào sâu nội địa Trung Quốc, đến Thâm Quyến. Cùng với đó, với việc sở hữu cảng nước sâu, Hải Phòng hiện là địa phương có nhiều lợi thế trong việc giao thương với thị trường tỷ dân này.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Hans Kerstens, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Khu công nghiệp DEEP C cho biết, khi một doanh nghiệp lớn đến Việt Nam thường sẽ không đến một mình mà kéo theo các công ty con, công ty liên kết. Ví dụ, một công ty sản xuất ô tô sẽ mang theo các doanh nghiệp phụ trợ… và họ có thể tạo nên một khu, cụm công nghiệp cho riêng mình. Hải Phòng với nhiều lợi thế về hạ tầng, liên kết vùng và khu vực đang là một điểm đến được đánh giá cao.
Nhiều địa phương ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao
Hiện DEEP C đã thực hiện đầu tư phát triển khu công nghiệp tại Hải Phòng. Kế hoạch của đơn vị này trong tương lai gần là xây dựng một tổ hợp khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam.
Cũng là một địa phương gần Hà Nội, Hà Nam đã đứng trước nhiều cơ hội phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ. Và công nghiệp đang được định hướng là đầu kéo ở địa phương này.
Chia sẻ về triển vọng phát triển của ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Hà Nam nói riêng, ông Trương Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn Hà Nam hiện có 7/8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đã được thành lập, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoạt động rất hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 890 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khoảng 260 đơn vị với tổng số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.
Cũng rất hào hứng với triển vọng của phân khúc này, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên cho biết, với Hưng Yên, tiềm năng cho công nghiệp và bất động sản công nghiệp là rất tốt. Hiện tỉnh này có 11 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.000 ha và đang xin quy hoạch 1 khu công nghiệp và dịch vụ đô thị mới, với tổng diện tích lên đến 3.000 ha (trong đó, có 500 ha quy hoạch dịch vụ đô thị).
Lợi thế của Hưng Yên chính bởi khả năng kết nối thuận tiện với Hà Nội, Hải Phòng thông qua các tuyết đường huyết mạch 5A, 5B, đường vành đai. Hiện các khu công nghiệp ở Hưng Yên có tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 70%, trong đó một lượng lớn các khách hàng là doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Viglacera cho biết, so với nhiều khu công nghiệp ở Trung Quốc, các khu công nghiệp ở Hưng Yên sở hữu nhiều lợi thế so sánh. Ví dụ như từ Bắc Kinh đến cảng gần nhất (của Trung Quốc) cũng mất hơn 1.000 km. Trong khi với hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, thì việc di chuyển từ Bắc Kinh đến các khu công nghiệp ở Hưng Yên, như Khu công nghiệp Thăng Long 2 cũng vẫn gần hơn các cảng Bắc Hải, Quảng Tây của Trung Quốc. Các khu công nghiệp của Hưng Yên đã và sẽ được hưởng lợi từ lợi thế giao thông, địa lý này.
Cho đến nay, dù mới ở giai đoạn khởi động, nhưng Thăng Long 2 đã sắp đầy do nhiều đối tác lớn xí phần, đặt chỗ.
"Khu công nghiệp Viglacera giai đoạn 1 có diện tích 280 ha. Hiện chúng tôi đã có những đối tác lớn nhận thuê và cơ bản lấp đầy khu công nghiệp này. Trong đó, Công ty Samsung thuê khoảng 150 ha, Công ty Mappletree thuê khoảng 30 ha, Công ty Hitachi thuê khoảng khoảng 70 ha”, ông Phong cho biết.
“Kén khách”
Không chỉ tập trung phát triển công nghiệp, bất động sản công nghiệp, các địa phương, chủ đầu tư (khu công nghiệp) cũng rất quan tâm đến việc phát triển bền vững. Và họ đang thực sự “kén khách”.
Trao đổi với phóng viên, vị đại diện tỉnh Hà Nam cho biết, hiện tỉnh đang ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó hướng mạnh thu hút nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Khi lựa chọn các nhà đầu tư, ngoài năng lực tài chính, phải lựa chọn các dự án đầu tư không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, có công nghệ tiên tiến, đảm bảo hiệu quả đầu tư được khuyến khích, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp như cơ khí chế tạo, lắp ráp, các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ....
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Phong cũng cho biết, quan điểm của Công ty khi lựa chọn khách thuê, đó là ưu tiên công nghệ cao, với các doanh nghiệp dễ có ảnh hưởng tới môi trường, Công ty kiên quyết không cho thuê.
“Có doanh nghiệp xin thuê của chúng tôi 30 ha với giá thuê rất cao, nhưng lĩnh vực hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, nên tôi không đồng ý, dù rằng doanh nghiệp này sẽ tự xây dựng trạm xử lý nước thải rồi kết hợp với các trạm của chúng tôi. Người dân hiến đất cho mình, nếu môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân, đến nhiều thế hệ”, ông Phong nhấn mạnh.