Bất động sản khu công nghiệp, cảng biển được hưởng lợi từ quan hệ thương mại Việt – Mỹ

Với kỳ vọng mở ra chương mới cho việc hợp tác thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, một số chuyên gia đã đưa ra nhận định về những ngành sẽ hưởng lợi trực tiếp

Bất động sản khu công nghiệp, cảng biển… có thể được hưởng lợi từ quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, trong giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng bình quân 18%/năm. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ chiếm 16,75% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê tính đến tháng 6/2021 từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 1.100 dự án của Mỹ tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 9,7 tỷ USD, xếp thứ 11/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào nước ta. Bên cạnh đầu tư FDI, quốc gia này cũng gián tiếp rót khoảng 655 triệu USD thông qua các Quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Việc chọn Việt Nam là một trong hai điểm dừng chân trong chuyến công du Đông Nam Á mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với nền kinh tế Mỹ.

Về triển vọng của ngành bất động sản khu công nghiệp trong nửa cuối năm, một số chuyện gia kỳ vọng vào các yếu tố kiểm soát được dịch Covid, tăng nguồn cung đất khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và xu hướng dịch chuyển đầu tư hoặc mở rộng từ các tỉnh thành cấp 1 ra các khu vực tỉnh thành cấp 2, cấp 3 hoặc các tỉnh tại Miền Trung. Ngoài ra, với việc Việt Nam đang đẩy nhanh tiêm vaccine cho toàn dân và chiến dịch miễn dịch cộng đồng kết hợp với các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, lấy đầu tư công làm nền tảng phát triển đầu tư tư nhân thì bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng và ngành cảng biển được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng với sản lượng hàng hóa lưu thông ước tính đạt 381 triệu tấn trong nửa cuối 2021 nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.

Cũng theo các chuyên gia, ngoài bất động sản công nghiệp và cảng biển thì thép, dệt may, . . là những ngành sẽ hưởng lợi trực tiếp từ quan hệ thương mại Việt - Mỹ, đặc biệt trong nửa cuối năm 2021.

Giá các sản phẩm thép cán nóng (HRC) và thép cán nguội (CRC) tại thị trường Bắc Mỹ đã liên tục tăng trong vòng một năm qua do nhu cầu xây dựng và sản xuất tăng mạnh thúc đẩy hồi phục kinh tế sau dịch và nguồn cung bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa và giãn cách.

Do đó, giá bán thép trong thời gian tới vẫn sẽ duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu xây dựng tăng mạnh khi gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của chính phủ Mỹ có hiệu lực kéo theo dư địa tăng trưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn tích cực.

Đối với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục khả quan, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm, xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ cũng tăng trưởng mạnh, đạt giá trị 4 tỷ USD (tăng 41% so với cùng kỳ) và tiếp tục là thị trường lớn nhất với tỷ trọng 41%.

Chat qua zalo