Bất động sản logistics, khoái khẩu của Nhà đầu tư ngoại

Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2021 tuy giảm so với cùng kỳ, nhưng riêng phân khúc logistics vẫn khẳng định được sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư ngoại đang rất quan tâm tới mảng logistics ở Việt Nam

Nhà đầu tư Singapore áp đảo

Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực bất động sản đón dòng vốn ngoại đạt 1,16 tỷ USD, đến từ cả 3 hình thức: vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần. Bất động sản vẫn giữ vững ngôi vị thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng của năm 2021.

Logistics nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhiều vốn FDI nhất, khi chiếm gần một nửa trong số hơn 30 dự án bất động sản được cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị đạt gần 538 triệu USD, bằng 46,78% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong kỳ. Trong đó, các nhà đầu tư từ Singapore là “tay chơi chính” với 7 dự án logistics.

Dự án bất động sản lớn nhất trong 7 tháng qua do Amigos An Phu Holding Pte. Ltd (Singapore) đầu tư, tổng vốn lên tới 185 triệu USD cũng mang bóng dáng của logistics.

"Trong năm 2020, các nhà đầu tư Singapore đã đầu tư gần 9 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 31,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam và cũng là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 112 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam"

Theo đó, Amigos An Phu Holding Pte. Ltd đầu tư vào Dự án Công ty TNHH Công nghiệp New Motion tại Khu công nghiệp Phú Tân, thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, nhằm phát triển hai hoạt động chính, gồm sản xuất màn hình vô tuyến và màn hình hiển thị; đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, văn phòng trong khu công nghiệp để hoạt động, cho thuê và cung cấp dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa.

Chuyển động của nhà phát triển bất động sản công nghiệp Singapore SEA Logistics Partners (SLP) tại thị trường Việt Nam cũng gây chú ý. Doanh nghiệp này cùng đối tác đang xúc tiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển các dự án bất động sản logistics trong vòng 3 - 4 năm tới.

Hồi tháng 6, Sea Fund I Investment 5 Pte. Ltd đã được cấp phép dự án logistics SLP Park Xuyên Á, trị giá 54 triệu USD để xây dựng và cho thuê nhà xưởng, nhà kho, làm dịch vụ kho bãi tại Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa (Long An). Dự án này có thời hạn 35 năm.

Trước đó, Công ty TNHH SLP Park Hải Phòng (Singapore) đã quyết định đầu tư 13 triệu USD vào Dự án SLP Park Hải Phòng, bên trong khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu 1), thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, cũng nhằm phát triển dịch vụ cho thuê kho, xưởng, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa.

Ngoài SLP Park Xuyên Á, Long An còn đón thêm dự án gần 30 triệu USD do DH Asia Investment Peoney Pte. Ltd đầu tư phát triển nhà kho và văn phòng cho thuê tại Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa.

Một nhà đầu tư Singapore khác là Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd đã đầu tư Trung tâm logistics ECPVN Bình Dương 2, trị giá 34,4 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, TP. Dĩ An. Trước đó, nhà đầu tư này đã được cấp phép đầu tư một dự án tương tự là Trung tâm Logistics ECPVN Sài Gòn 1, với tổng vốn đầu tư 34,1 triệu USD.

Triển vọng khả quan

Trong 7 tháng qua, TP.HMC cũng đón thêm dự án logistics lớn khác từ nhà đầu tư BW Industrial (Hà Lan). Ông lón bất động sản công nghiệp này quyết định đầu tư dự án 80,6 triệu USD vào Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung để xây dựng kho bãi cho thuê và cung cấp dịch vụ logistics trên quy mô 146.387 m2 tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

Ở kênh góp vốn, mua cổ phần, BP - Vietnam Development Pte. Ltd, đã góp vốn hơn 3,6 triệu USD vào Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp KTG Bắc Ninh - đơn vị chuyên phát triển kho bãi ở khu vực phía Bắc.

Hai tháng trước, BP - Vietnam Development đã ký một thỏa thuận quyền chọn (option agreement) với Công ty cổ phần Khải Toàn (gọi tắt là KTG).

Đề cập đến việc hợp tác với KTG, mà cụ thể là việc thành lập Quỹ logistics công nghiệp KTG & Boustead (gọi tắt là KBILF), Chủ tịch Boustead Projects John Lim Kok Min và Giám đốc điều hành Thomas Chu Kok Hong xác nhận trong thư gửi cho các cổ đông vào đầu tháng 7 rằng: “Chúng tôi đã thực hiện các bước tiếp theo của mình”.

Sau khi hoàn thành, KBILF giai đoạn I sẽ cho phép quỹ liên doanh này nắm giữ các tài sản hạt giống giá trị khoảng 141 triệu USD, bao gồm 840.000 m2 đất công nghiệp và khoảng 550.000 m2 diện tích cho thuê. Sang giai đoạn II, KBILF sẽ tiến hành mua lại các tài sản bất động sản công nghiệp tiềm năng khác theo một lộ trình mục tiêu đã xác định, có khả năng tăng gấp đôi diện tích đất công nghiệp và diện tích cho thuê trong danh mục đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao Bộ phận bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư vào Việt Nam. Tình hình dịch bệnh có thể làm chậm tiến độ xây dựng do việc đi lại, nhân công, vận chuyển vật liệu bị hạn chế, song về dài hạn, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục mở rộng dự án đã cam kết.

Đơn cử, các dự án mới và mở rộng của Daiwa House (Nhật Bản), JD Property (Trung Quốc) và BW Industrial (Hà Lan) ở phía Nam vẫn đang triển khai. Trong đó, Dự án JD Logistics Park, do JD Property đầu tư dự kiến khởi công vào tháng 9 tới và hoàn thành xây dựng trong quý II/2022.

Theo các chuyên gia, trong nửa cuối năm 2021 và dài hạn, triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn rất khả quan, với nhu cầu lớn từ doanh nghiệp trong nước mở rộng và các nhà đầu tư bên ngoài đầu tư thêm.

“Các lĩnh vực tiếp tục giữ đà tăng trưởng là điện tử, kho vận, linh kiện xe hơi, bao bì, đồ gỗ và thiết bị y tế. Đối với kho xưởng xây sẵn, nguồn cầu từ lĩnh vực kho vận, thương mại điện tử và bán lẻ sẽ giữ nhịp phát triển cho sản phẩm này”, ông Hiếu nhận định.

Chat qua zalo