Bất động sản Mỹ lên ngôi thời Covid-19
Ngày:24/02/2020 09:13:15 SA
Đầu tư vào nhà ở được kỳ vọng là đòn bẩy tăng trưởng cho kinh tế Mỹ trong quý I/2020. Ảnh: AFP |
PMI rớt mạnh
Biên bản cuộc họp gần đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ rõ tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo tiếp tục duy trì ở tốc độ vừa phải, nhưng đi kèm là các rủi ro từ dịch Covid-19 khi dịch bệnh cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người tại Trung Quốc và lây lan sang hàng nghìn trường hợp trên toàn cầu. Trung Quốc - mắt xích then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu - đang bị tê liệt vì dịch Covid-19.
Ông Michael Pearce, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty phân tích và dự báo kinh tế Capital Economics (New York) cho rằng, dịch Covid-19 chắc chắn kéo theo những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. “Chúng tôi không loại trừ khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong quý I/2020, nhưng sẽ khó tin với thông điệp mà báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của công ty phân tích thông tin kinh tế IHS Markit rằng kinh tế Mỹ đang trên bờ vực suy thoái”.
Chỉ số PMI của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 2 giảm còn 49,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013. Chỉ số PMI dưới 50 điểm là dấu hiệu cho thấy sự thu hẹp của ngành dịch vụ - lĩnh vực đóng góp khoảng 2/3 GDP của Mỹ. Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ ghi nhận kể từ năm 2016. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo rằng chỉ số PMI ngành dịch vụ của Mỹ đứng ở 53 điểm, giảm nhẹ so với mức 53,4 điểm trong tháng 1.
Chung số phận, khu vực sản xuất chế tạo của Mỹ cũng không tránh khỏi bức tranh ảm đạm thời Covid-19. Chỉ số PMI ngành sản xuất chế tạo chỉ đạt 50,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019 và giảm so với mức 51,9 điểm ghi nhận trong tháng 1/2020.
Chỉ số sản lượng tổng hợp (COI) ngành sản xuất chế tạo và dịch vụ của Mỹ trong tháng 2 giảm xuống thấp nhất trong hơn 6 năm qua còn 49,6 điểm, giảm mạnh so với mức 53,3 điểm trong tháng 1.
Các nhà phân tích IHS Market cho rằng dịch Covid-19 bùng phát là nguyên nhân khiến các chỉ số PMI của Mỹ sụt giảm. Điều này thể hiện qua việc nhu cầu du lịch, đi lại tụt dốc trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Theo IHS Market, doanh nghiệp khá thận trọng trước các quyết định chi tiêu do lo ngại kinh tế Mỹ chững lại và những bất ổn trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trông cậy vào bất động sản
Trong khi các ngành sản xuất và dịch vụ lao đao vì dịch Covid-19, bất động sản trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Thực tế, thị trường nhà ở Mỹ đang được kích thích bởi lãi suất vay thế chấp xuống thấp sau 3 lần Fed cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm 2019. Fed được dự báo giữ chính sách tiền tệ ổn định trong suốt năm 2020.
Theo báo cáo được Hiệp hội Môi giới bất động sản Quốc gia Mỹ công bố hôm 21/2, doanh số bán nhà có sẵn - chiếm khoảng 90% tổng doanh số bán nhà tại Mỹ - giảm 1,3% còn 5,46 triệu căn trong tháng 1 do khan hiếm nguồn cung. Trước đó, các chuyên gia kinh tế trước đó dự báo doanh số bán nhà có sẵn trong tháng 1 tại Mỹ hụt 1,8% và đạt 5,43 triệu căn.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà có sẵn trong tháng 1 tại Mỹ vẫn tăng 9,6%. Xét theo khu vực, doanh số bán nhà tháng 1 tại khu vực Đông Bắc nước Mỹ không biến động so với tháng trước đó, trong khi doanh số tại khu vực Trung Tây và miền Nam tăng cao. Duy nhất có miền Tây, khu vực có giá nhà đắt đỏ nhất nước Mỹ, ghi nhận doanh số bán nhà sụt giảm.
Nguồn cung bất động sản tại Mỹ có thể sẽ được nới lỏng khi giấy phép xây dựng và số lượng nhà được xây dựng đã được áp dụng từ cách đây gần 13 năm. Chính phủ Mỹ tuần này thông báo giấy phép xây dựng nhà ở trong tương lai đã tăng 9,2% trong tháng 1 lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2007. Hàng tồn kho các ngôi nhà đang xây dựng trong tháng 1 cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2007.
Joel Naroff, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn kinh tế Economic Advisors (bang Pennsylvania) cho rằng, đầu tư vào nhà ở được kỳ vọng là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng cho kinh tế Mỹ trong quý I/2020.
Số liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản Quốc gia Mỹ cho thấy, khoảng 1,42 triệu ngôi nhà đã có chủ trong tháng 1, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tồn kho nhà ở trong tháng 1 cũng ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nguồn cung giảm dần khiến giá nhà có sẵn bình quân trong tháng 1 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 266.300 USD/căn.
Với tốc độ bán hàng băng băng như tháng 1, tồn kho nhà ở của Mỹ sẽ được “giải phóng” trong vòng 3,1 tháng tới, giảm mạnh so với mốc 3,8 tháng ở thời điểm 1 năm trước. Đáng nói hơn, 42% lượng nhà ở được bán chóng vánh trong tháng 1 đều chỉ mới được chào bán chưa đầy 1 tháng. Số người mua nhà lần đầu chiếm 32% doanh số bán nhà có sẵn trong tháng 1, cao hơn tỷ lệ 31% trong tháng 12/2019 và 29% của một năm trước.
Nguồn: Baodautu.vn