BĐS Công nghiệp: Business Park – Tầm nhìn mới, mô hình mới, hiệu quả mới
Ngày:09/03/2020 03:31:35 CH
Xu hướng xây dựng của các KCN giai đoạn 2020 – 2025
Trên thế giới, Business Park là tên gọi chung của các Khu công nghiệp (Industrial Park), Khu nghiên cứu khoa học (Science, Research Park), Khu công nghệ cao (Hi-tech, Technology Park), Khu văn phòng (Office Park), Khu thương mại (Business Park) và các khu chức năng tương tự khác như Warehouse/Distribution Park, Logistics Park, Incubator Park hay Corporate Park.
Dưới bất kỳ tên gọi nào, BP luôn là sự kết hợp giữa hai khái niệm (1) Park – công viên và (2) Business – thương mại. Park là khu vực được sử dụng cho các mục đích nghỉ ngơi, thể thao và giải trí. Business là khu vực được quy hoạch và thiết kế theo kiểu các nhóm văn phòng làm việc và sản xuất hiện đại, nhằm phục vụ cho sự trao đổi, hợp tác và thương mại, liên quan đến các sản phẩm mang tính nghiên cứu khoa học, phát triển và công nghệ cao.
Đây có thể coi là sự kết hợp hoàn hảo của 2 khái niệm nhằm đem lại các lợi ích tổng thể về kinh tế – xã hội – môi trường không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho cả địa phương, các nhà quản lý và người lao động.
Đến nay, BP đã phát triển qua 4 thế hệ, từ những KCN với chức năng đơn giản đến những tổ hợp đa chức năng làm việc (sản xuất) – sống (ở) – nghỉ ngơi, tương tự như một đô thị nhỏ.
Muốn cạnh tranh được với các loại hình bất động sản khác thì khu công nghiệp còn cần cả các dịch vụ đi kèm. Theo Ths. KTS Nguyễn Cao Lãnh, Business Park sẽ là 1 xu hướng xây dựng của các KCN trong giai đoạn 2020 – 2025. Đây là sự phát triển tất yếu mang tính quy luật của sự phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhà đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp.
Tầm nhìn mới, mô hình mới, hiệu quả mới
Tầm nhìn mới, mô hình mới, hiệu quả mới là 3 yếu tố thuyết phục nhất cho các nhà đầu tư. Để xây dựng BP, nhà đầu tư cần có một tầm nhìn mới về tương lai, về xu hướng phát triển tất yếu của BĐS công nghiệp và không thể đứng ngoài xu thế đó.
Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong Điều 2, khoản 3, Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về Quy định về quản lý KCN và KKT, khái niệm “Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ” được chính thức công nhận, mở cửa và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ gồm các khu chức năng: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị – dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế – xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu), được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp.
Theo Nghị định này, Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ hoàn toàn phù hợp với các BP thế hệ thứ 2 và 3.
Hiện tại, khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, tỷ lệ lấp đầy cao, các mô hình KCN truyền thống với những bất cập về kết cấu hạ tầng xã hội không còn đủ hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, mô hình BP với những lợi thế về kinh tế và bảo vệ môi trường trở thành xu hướng tất yếu sẽ phát triển trong những năm tới. Các BP thế hệ thứ hai và thứ ba là sự lựa chọn thích hợp cho mô hình mới trong giai đoạn tới ở VN.
Sự lựa chọn phát triển này là tất yếu bởi nó mang đến mô hình xây dựng KCN kiểu mới mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư mới cho các nhà tiên phong trong lĩnh vực BĐS công nghiệp về sự hài hòa tổng thể lợi ích giữa kinh tế – xã hội – môi trường cho chủ đầu tư cũng như cho địa phương có dự án.
Khi đạt được những điều này thì vị thế cũng như thương hiệu của nhà đầu tư sẽ ở một tầm cao mới và sẽ mở ra các cơ hội đầu tư mới đầy triển vọng.
Nguồn: batdongsancongnghiep.vn