BĐS phía Đông Hà Nội: Cơ hội bứt phá nhờ hạ tầng hoàn thiện
Ngày:09/03/2020 05:17:36 CH
Chuyển dịch đầu tư từ phía Tây sang Đông và Đông Nam Hà Nội
Khoảng 15 năm trước, giới đầu tư đổ dồn dòng tiền vào thị trường bất động sản Tây Hà Nội, trong đó khu vực phát triển “nóng” nhất là Mỹ Đình, Cầu Diễn, xung quanh trục đường Vành đai 3 (Phạm Hùng). Thậm chí, các khu vực xa hơn như Quốc lộ 32, Hoài Đức cũng được hưởng lợi rất lớn trong giai đoạn này.
Cụ thể, trong gia đoạn 2005 - 2010, thị trường bất động sản khu vực Tây Hà Nội tăng trưởng từ 200-300% về giá trị đất. Ví dụ, đất nền và đất dự án khu vực đường Lê Trọng Tấn kéo dài, Lê Văn Lương, Phạm Hùng tăng từ 20 - 40 triệu đồng/ m2 lên ngưỡng 50 - 60 triệu đồng /m2, thậm chí có khu vực tăng trên 100 triệu đồng/ m2, tùy thuộc vào dự án và khu vực.
Trong khi đó, khu vực phía Đông và Đông Nam, bao gồm quận Long Biên, các huyện ngoại thành Gia Lâm, Thanh Trì và một phần huyện Văn Giang (Hưng Yên) có phần kém hấp dẫn hơn, giá đất dự án và đất nền tại đây dao động từ 12 - 18 triệu đồng/ m2.
Điểm hạn chế của khu vực phía Đông và Đông Nam một phần là do sông Hồng ngăn cách. Người dân muốn di chuyển vào nội đô phải đi qua 5 cầu vượt sông (Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Thanh Trì và Vĩnh Tuy) với mật độ giao thông rất hạn chế.
Đặc biệt, vào các cung giờ cao điểm, hầu hết các cầu vượt sông Hồng đều trở nên tắc nghẽn, người dân đi lại khó khăn. Chính vì vậy, trong mắt giới đầu tư 15 năm trước, phía Đông và Đông Nam vẫn là “viên ngọc thô”, cần phải chờ thêm một thời gian nữa.
Cho tới thời điểm hiện tại, khu vực phía Đông và Đông Nam được đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đặc biệt là xây dựng thêm cầu vượt sông kết nối đồng bộ hệ thống giao thông thủ đô. Cụ thể, trong năm 2015 đã hoàn thiện và đưa vào vận hành cầu Nhật Tân.
Bên cạnh đó, Hà Nội chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 mở rộng cầu Vĩnh Tuy, xây dựng thêm cầu Tứ Liên, cầu vượt sông Trần Hưng Đạo.
Ngoài ra, các tuyến cao tốc cũng được phát triển đồng bộ, kết nối các các khu vực vùng ven với trung tâm Hà Nội. Ví dụ như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ,...
Với sự hoàn thiện về hạ tầng giao thông đã thúc đẩy cho thị trường bất động sản tại đây phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, kể từ năm 2018, thị trường bất động sản phía Đông và Đông Nam thực sự “bùng nổ” và thu hút một lượng lớn nhà đầu tư chuyển hướng từ phía Tây sang Đông và Đông Nam.
Điều này được chứng minh bằng hàng loạt các dự án nghìn tỷ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, giá trị đất nền, đất dự án tại khu vực này cũng tăng chóng mặt.
Cụ thể, sau 2 năm, một số khu vực tại Gia Lâm như Dương Xá, Đa Tốn, Đông Dư , giá đất dự án, đất nền đã tăng 40 - 60%, hiện nay giao động từ 30 - 100 triệu đồng/ m2, cá biệt có nơi tăng lên 150 triệu đồng/ m2.
Đông và Đông Nam Hà Nội vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển
Phân tích lý do tại sao có sự chuyển dịch này, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam cho biết, thông tin về lộ trình các cây cầu mới mở như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và định hướng của một số cây cầu như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên đã thúc đẩy sự tăng trưởng giá đất ở khu vực này.
Những cây cầu này kết nối gần như trực tiếp với địa bàn phía trung tâm Hà Nội cũng như kết nối giữa các khu vực vùng ven.
Cũng theo ông Hiển, những ông lớn trong ngành bất động sản có mặt tại khu vực này này đã triển khai, phát triển các dự án và thu hút được số lượng lớn các khách hàng trong phân khúc cao cấp về ở và sinh sống. Điều này giúp cho thị trường bất động sản khu Đông ngày càng phát triển cũng như thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện tại, khu vực phía Tây Hà Nội đã đi vào ổn định, thì tiềm năng phát của phía Đông và Đông Nam đang rất rộng mở.
“Sau hơn 15 năm phát triển, thị trường bất động sản phía Tây đã dần ổn định, nếu nhà đầu tư rót vốn vào khu vực này vẫn sẽ tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên, so với khu vực phía Đông và Đông Nam mới được khai phá thì kém hơn đôi chút”, ông Đính nói.
Bên cạnh sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hoàn thiện kết nối giao thông, ông Đính nhận xét, khu vực phía Đông và Đông Nam ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ xuất hiện hàng loạt các dự án bất động sản “khủng”. Ngoài ra, đề xuất đưa huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2025 cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS tại đây.
“Như vậy, tiềm năng phát triển của thị trường BĐS phía Đông và Đông Nam còn rất lớn và các nhà đầu tư có thể đầu tư trung và dài hạn vào khu vực này”, ông Đính nhận xét.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cũng cảnh báo, trước khi rót vốn tham gia thị trường, người dân nên tìm hiểu thật kỹ năng lực của chủ đầu tư. Ngoài ra, cần tránh đầu tư “lướt sóng” dựa vào các thông tin mới được công bố hoặc đầu tư theo đám đông.
"Các nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về thực trạng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, dịch vụ tại khu vực đó. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển, kinh tế theo chủ trương của địa phương và đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, việc định giá trị bất động sản phải dựa trên nguyên tắc thực tế, nhu cầu cần thực sự của thị trường tránh những giao dịch ảo, rủi ro trong đầu tư", ông Đính nói.
Nguồn: dantri.com.vn