Bị chi phối bởi khoảng chục luật, Vingroup, FLC, Novaland và loạt DN BĐS kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Ngày:20/02/2020 02:41:32 CH
Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, FLC, Novaland,... đều cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam đang thể hiện nhiều sự chồng chéo, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa tổ chức Hội nghị để lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp BĐS nhằm kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Theo đó, phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch VNREA nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường BĐS sau một thời gian im ắng cũng bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Cụ thể là vấn đề liên quan đến loại hình condotel và Nghị định 20.
Theo ông Nam, thị trường BĐS khó khăn trong thời gian vừa qua đã kéo theo nhiều ngành khác suy giảm như xây dựng, vật liệu xây dựng,… Do đó, nếu không có sự tháo gỡ kịp thời thì đến năm 2020 -2021, thị trường có thể sẽ xuống sâu hơn.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng giám đốc Vinhomes cho biết, doanh nghiệp đã tập hợp các ý kiến từ công ty con (dài 14 trang) về những khó khăn đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Theo đó, đầu tiên là về các chính sách liên quan đến condotel, officetel. Trong văn bản mới đây của Bộ TN&MT chỉ nêu được một phần về condotel mà chưa có hướng dẫn về officetel.
Thứ hai là vấn đề cấp sổ đỏ, tách sổ đỏ. Thứ ba là những bất cập trong việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thứ tư là câu chuyện chuyển nhượng hợp đồng mua bán BĐS hình thành trong tương lai. Thứ năm là về vấn đề thanh toán các dự án BT…
Trong khi đó, đại diện Tập đòa FLC, Tổng giám đốc Trần Kiều Dung cho rằng, có 3 điểm vướng nhất của thị trường BĐS hiện nay đó là vấn đề pháp lí, nguồn vốn và thủ tục hành chính.
Về pháp lí, theo bà Dung, vướng mắc chủ yếu nằm tại 4 luật là Luật Đầu tư, Nhà ở, Đất đai và Đấu thầu. Nếu khơi thông được pháp luật thì sẽ khơi thông được thị trường BĐS.
Đầu tiên là mâu thuẫn giữa Luật đất đai và Luật đấu thầu trong vấn đề giao đất, đấu thầu và đấu giá.
Thứ hai là vấn đề liên quan đến đất công xen kẹt. Đất công này theo Nghị định 67 thì phải tổ chức đấu giá. Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn nếu chủ đầu tư thực hiện một dự án trong đó có phần đất công xen kẹt thì phải làm xử lí như thế nào.
Thứ ba liên quan đến việc thuê đất trả tiền hàng năm và thuê đất trả tiền một lần và thứ tư là vấn đề thẩm định thiết kế. Có những dự án có hàng trăm công trình nhỏ, nếu làm theo qui định hiện hành thì sẽ rất rắc rối…
"Riêng đối với loại hình condotel, hiện nay Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài được mua sản phẩm này. Do đó, để thị trường phát triển tốt hơn thì tại sao không hướng tới cả đối tượng người nước ngoài", bà Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện FLC cũng cho biết, đã 3 năm trôi qua nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có thêm gói hỗ trợ tiếp theo cho thị trường BĐS. Trong khi đó, gói 30.000 tỉ đồng đã hết từ lâu. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ quan tâm hơn đến nguồn vốn để hỗ trợ cho thị trường.
Điểm vướng mắc cuối cùng theo bà Dung đó chính là thủ tục hành chính. Một văn bản từ địa phương đến trung ương phải đi qua rất nhiều sở , ngành... và làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Thấy gì trong sự "trường kì gian khổ" của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest thẳng thắn cho rằng, trong tất cả các loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp BĐS là khó khăn nhất vì nó bị khoảng 10 luật chi phối. Và thị trường BĐS Việt Nam như đang ở trong một ma trận chi phối của các luật.
"Bây giờ kiến nghị kiểu gì, chỉ có thể thay đổi luật. Mà thay đổi luật thì khó ở chỗ Bộ này soạn luật này, bộ kia soạn luật kia,.." ông Hiệp nói.
Chủ tịch GP.Invest lấy ví dụ, TP HCM hiện đang bị đình trệ khoảng hơn 200 dự án không được phê duyệt chính bởi sự chồng chéo giữa các luật mà cụ thể là Luật Đất đai. Do đó, kiến nghị đầu tiên là phải sửa đổi Luật Đất đai. Bởi vì nếu để Luật Đất đai sẽ còn cản trở bởi nó còn rất nhiều điểm hạn chế.
"Một dự án của chúng tôi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 4/2018, khi tất cả các thủ tục đã xong thì lại bị tắc ở Quyết định giao đất. Nguyên nhân là bởi mâu thuẫn với Luật Đất đai. Do đó, một là bỏ, hai là làm lại từ đầu. Chúng tôi lại phải quay lại mất thêm một năm, lại đi qua 5 Sở, địa phương,… Đây gọi là một sự trường kì gian khổ của doanh nghiệp mà không ai thấu cho", ông Hiệp cho hay.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, Luật Đất đai còn qui định một điểm rất sai lầm liên quan đến việc GPMB và việc giao đất. Nghĩa là phải GPMB hết thì mới có quyết định giao đất.
"Một dự của chúng tôi ở Việt Trì (Phú Thọ) rộng khoảng 50 ha mà 12 năm nay, qua 5 đời Chủ tịch tỉnh Phú Thọ vẫn vấp ở khâu GPMB. Chỉ còn một số hộ dân nhưng họ dứt khoát không đồng thuận với giá đền bù. Trong khi đó, hệ số đền bù lại do cấp trên quyết định, doanh nghiệp không thể tự tăng giá đất. Đây chính là một lỗ hổng lớn", ông Hiệp nói.
Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Novaland cũng cho biết, trong quá trình triển khai dự án những năm gần đây, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn vướng mắc trong chính sách pháp luật liên quan đến quản lí đất đai.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số dự án của Tập đoàn đã may mắn được tháo gỡ. Cụ thể, Dự án chung cư Cô Giang tại Q.1 đã được UBND TP HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng; Dự án TTTM, văn phòng, officetel tại Q.4 đã được UBND TP HCM, Sở TN&MT duyệt giá tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, Dự án Khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền, Q.2 và Dự án Cao ốc Thương mại, căn hộ tại phường Bình Thạnh đã được Sở TN&MT chấp thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân,…
Còn đối với dự án 30,2 ha tại phường Bình Khánh (Q.2), Tập đoàn Novaland đề xuất 2 phương án.
Phương án thứ nhất, được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công sẽ bàn giao lại để cơ quan chức năng tiến hành đấu giá.
Phương án thứ hai, doanh nghiệp sẽ được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lí đã được phê duyệt.
Trước những khó khăn chung của thị trường, Tập đoàn Novaland bày tỏ tin tưởng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, sớm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn hiện nay. Đồng thời, cho phép chủ đầu tư được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/