Bí quyết tuần hoàn hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp tiên phong

Các doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển bền vững trên thế giới chia sẻ bí quyết để ứng dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh.

Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là mục tiêu tiên quyết của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam. Ảnh: PRO Việt Nam.

Năm 2020 là bước bắt đầu cho “thập kỷ hành động” để các quốc gia gấp rút thực hiện hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề, khiến cho nhiều mục tiêu bền vững bị tổn thương nghiêm trọng.

Từng bước khống chế đại dịch, thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định, các quốc gia sẽ cần phải “nỗ lực gấp đôi” để đưa nền kinh tế đi theo đúng quỹ đạo của sự bền vững, với các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy công bằng xã hội được đặt lên hàng đầu.

Để thực hiện hóa những mục tiêu đó, mô hình kinh tế tuần hoàn đang được xác định là giải pháp vẹn toàn và tối ưu nhất. Tuy nhiên, ứng dụng mô hình này không phải là điều đơn giản, đặc biệt đối với doanh nghiệp, đặc biệt tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Dựa trên kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi đầu trong việc tuần hoàn hóa chuỗi cung ứng, các chuyên gia WEF đã phối hợp cùng tổ chức Scaleup Nation xây dựng 5 bí quyết giúp doanh nghiệp thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đầu tiên, những câu chuyện truyền cảm hứng để thuyết phục người tiêu dùng. Theo đó, để ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp cần nhắm tới đối tượng người tiêu dùng.

Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị tái chế, từ đó đặt giáo dục, định hướng nhận thức của người tiêu dùng là mục tiêu tiên quyết để xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn.

Các chuyên gia của WEF nhận xét, chia sẻ những câu chuyện là cách hiệu quả nhất để lồng ghép những thông điệp ý nghĩa, khơi dậy cảm xúc của khán giả, công chúng là những người trực tiếp sử dụng và thái bỏ, từ đó thuyết phục họ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại nguồn cũng như tiết kiệm các tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Mô hình kinh tế tuần hoàn đỏi hỏi sự đổi mới cho toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh để hướng tới mục tiêu thân thiện nhất với môi trường, bao gồm quá trình sản xuất hạn chế phát thải và tối ưu hóa khả năng đưa rác thải quay trở lại sản xuất.

Các tiêu chuẩn này cần được ứng dụng một cách rộng rãi, trở thành điều kiện bắt buộc cho các ngành sản xuất, kinh doanh để tạo ra hiệu ứng lan tỏa, nâng cao hiệu quả tái chế.

Thứ ba, chia sẻ kinh nghiệm, bao gồm những sáng kiến, giải pháp, đổi mới về thiết kế công nghiệp, công nghệ sản xuất, quy trình thu gom, phân loại. Thương hiệu sản xuất bao bì hàng đầu thế giới Tetra Pak đã ứng dụng phương pháp này khi quyết định chia sẻ công khai sản phẩm ống hút giấy có thể tái chế cho những đối thủ cạnh tranh thay vì đăng ký sáng chế.

Với nền tảng chia sẻ kinh nghiệm, các doanh nghiệp có thể dẫn dắt thị trường đi tới những tiêu chuẩn cao hơn, từ đó tạo thói quen sản xuất và tiêu dùng bền vững. 

“Các doanh nghiệp đi đầu đã nhận ra điều quan trọng là xây dựng thị trường bền vững chứ không phải cố gắng gia tăng thị phần trước mắt”, WEF cho biết.

Thứ tư, hợp tác để cùng phát triển. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các mô hình liên kết đang được hình thành như một giải pháp tập hợp nguồn lực trong việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn.

Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam là điển hình về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Ảnh: Tetra Pak.

PRO Việt Nam là một ví dụ điển hình về “cái bắt tay của những ông lớn” để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, đại diện của PRO Việt Nam khẳng định liên minh không chỉ là sân chơi của doanh nghiệp lớn mà luôn khuyến khích sự phối hợp đến từ những cá thể nhỏ nhất trên thị trường, bao gồm cả các hộ kinh doanh gia đình.

Cuối cùng là sự vào cuộc từ phía Chính phủ, với những tác động về mặt cơ chế, chính sách. Theo WEF, chính sách công là cách hiệu quả nhất để biến những giá trị bền vững trở thành điều quen thuộc, được áp dụng rộng rãi.

Một trong những chính sách công hiệu quả nhất để khuyến khích thiết lập nền kinh tế tuần hoàn là công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) mới được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới được Quốc hội Việt Nam thông qua.

Chat qua zalo