Bình Định phát triển nổi bật trong năm 2020

Năm 2020, tuy đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bình Định vẫn nổi bật với “gam màu sáng”, dẫn đầu Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung về tăng trưởng kinh tế.

Là một trong 5 tỉnh, thành phố hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định đã tiên phong trong phát triển hạ tầng để kích hoạt, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch. 

Bình Định là một trong những địa phương đã mở không gian hướng biển để kích hoạt du lịch cho đô thị trung tâm thành phố

Tiên phong phát triển hạ tầng

Được quy hoạch là trung tâm phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó TP. Quy Nhơn đóng vai trò liên kết đô thị hạt nhân, thời gian qua, Bình Định đã thực hiện chủ trương giao thông đi trước một bước. Đây chính là yếu tố thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đồng thời là chìa khóa giúp tỉnh này bứt phá.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bình Định năm 2020 tăng 3,61%. Đây là mức tăng thấp nhất của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và cao nhất trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế tăng 2,06%, Đà Nẵng giảm 9,77%, Quảng Nam giảm 6,98%, Quảng Ngãi giảm 1,02%).

Năm 2020, dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng GRDP bình quân đầu người của tỉnh Bình Định vẫn đạt 60,6 triệu đồng, tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2019.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định

Theo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2020 được xác định là thời gian nước rút thi công đối với các dự án giao thông như đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài, đường Vành đai 2, cầu Nhơn Hội nối với Khu du lịch Hải Giang và tuyến cáp treo hiện đại dài gần 3 km nối TP. Quy Nhơn với khu Hải Giang... Tỉnh Bình Định cũng đang gấp rút thi công hoàn thành tuyến đường nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội, rút ngắn khoảng cách di chuyển và góp phần thu hút nhà đầu tư lớn.

Cùng với đó, các công trình, dự án trọng điểm như đường phía Tây tỉnh đoạn từ Canh Vinh đến Quy Nhơn, đường ven biển đoạn từ Cát Tiến đến Đề Gi, trung tâm hội nghị của tỉnh, đập ngăn mặn sông Lại Giang, đài quan sát thiên văn phổ thông, khu lấn biển Mũi Tấn, chỉnh trang đô thị TP. Quy Nhơn, giải phóng toàn bộ các khu khách sạn dọc bờ biển Quy Nhơn… cũng được Bình Định đẩy nhanh tiến độ, từng bước hình thành một thành phố du lịch biển hiện đại, thân thiện.

Trong Đồ án quy hoạch 1/2.000 phân khu 12 phường nội thành TP. Quy Nhơn, Bình Định kỳ vọng đến năm 2035, Quy Nhơn trở thành thành phố đô thị loại 1, được quy hoạch hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; được quản lý kiến trúc hợp lý, tạo dựng được một thành phố năng động, hiện đại mà giữ được bản sắc để phát triển.

Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận, hướng đến phát triển đô thị hiện đại và bền vững. Trong 5 năm qua, tỉnh này đã thực hiện phát triển không gian đô thị về phía Bắc, Tây và Tây Nam, theo 9 khu vực, với tổng diện tích gần 68.000 ha tại TP. Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát và Vân Canh.

Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định Trần Viết Bảo cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2025, có 13 dự án ưu tiên được đầu tư lớn. Thời gian qua, địa phương tập trung chỉnh trang lại TP. Quy Nhơn, trong đó ưu tiên làm thông thoáng không gian hướng ra biển, giải tỏa các công trình khách sạn, nhà hàng nằm sát bờ biển.

“Quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh là tạo ra không gian xanh, mềm mại, giữ nguyên bờ biển Quy Nhơn, tránh đi “vết xe đổ” của các tỉnh lân cận khi trót giao bờ biển và mặt nước cho nhà đầu tư”, ông Bảo nhấn mạnh.

Tuyến Quốc lộ 19 mới đã rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh Bình Định

Định vị Bình Định trong cục diện mới của khu vực

Trong định hướng phát triển chung của tỉnh Bình Định, Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ trở thành động lực phát triển của Quy Nhơn - đầu tàu kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bình Định cũng đã mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Nhơn Hội từ 12.000 ha lên 14.308 ha, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối tới trung tâm TP. Quy Nhơn, từng bước dịch chuyển phát triển thành phố về phía Bắc, tạo động lực thu hút đông đảo nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.

Diện mạo hạ tầng của Bình Định gần như bước sang một trang mới… Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển 5 trụ cột chính, gồm: công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía Bắc làm các khâu đột phá. Từ đó, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Dẫn ví dụ về thị trường địa ốc Quy Nhơn - một trong những thị trường mới đáng chú ý hàng đầu hiện nay, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự hấp dẫn của thị trường này được tạo dựng từ bước chân của những “con sếu đầu đàn”.

“5 - 7 năm trước, khu vực biển Nhơn Hội là một cồn cát. Bình Định đã dành gần 10 năm làm đường trục, làm cầu Nhơn Hội, đổ tiền vào hạ tầng, nhưng vẫn không có nhà đầu tư. Cả bờ biển dài 12 km, các nhà đầu tư xin đất, nhưng không ai làm. Chỉ đến khi có sự tiên phong của Tập đoàn FLC đặt chân về đây mới tạo sự thay đổi. Và chỉ một dự án này thôi đã làm thay đổi hoàn toàn nơi đây, mở ra cơ hội cho không chỉ thị trường du lịch, mà còn cả thị trường bất động sản”, TS. Trần Du Lịch nói.

TS. Trần Du Lịch cho biết thêm, một yếu tố nữa trong câu chuyện dịch chuyển dòng vốn đầu tư là việc kết nối hạ tầng tại địa phương. “Đầu tư sẽ chết nếu không có giao thông. Bình Định đang cho thấy sức bật mạnh mẽ trong việc quy hoạch hạ tầng và điều này đã khiến địa phương trở thành một tâm điểm mới trên thị trường địa ốc”, TS. Trần Du Lịch nói.

Đánh giá về Bình Định, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ 5 năm trở lại đây, tỉnh này làm được những dự án hạ tầng mang tính đột phá chưa từng có, trong đó có tuyến đường trục từ Cảng hàng không Phù Cát tới Khu kinh tế Nhơn Hội (18,5 km), tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Đề Gi (hơn 21,5 km)... Đến nay, tuyến Quốc lộ 19 mới và tuyến đường phía Tây của tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Tất cả những điều này góp phần mở ra thị trường tương lai cho Bình Định, mở ra những đô thị ven biển gắn với kinh tế có tiềm năng rất lớn. Quả thực, đó là sự phát triển diệu kỳ của Bình Định.

Với GRDP năm 2020 tăng 3,61%, Bình Định dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (2,91%).

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh và tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Hồ Quốc Dũng, Bình Định phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển của khu vực miền Trung; trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu và công nghiệp chế tạo, chế biến của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước Tiểu vùng sông Mekong; trọng điểm du lịch miền Trung với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Chat qua zalo