Bình Dương: Sẽ thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021

UBND tỉnh Bình Dương thống nhất đặt kế hoạch thu hút 1,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2021. Con số này tương đương tổng vốn đầu FDI vào tỉnh trong năm 2020.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, hiện có 5/34 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại tỉnh có vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Cụ thể, đứng đầu là các doanh nghiệp từ Hà Lan với tổng vốn đầu tư là 544 triệu USD (chiếm tỷ lệ 31,4%), đứng thứ 2 là Hồng Kông 225 triệu USD (chiếm tỷ lệ 13%), tiếp theo là Đài Loan 216 triệu USD (chiếm tỷ lệ 12,5%), Singapore 200 triệu USD (chiếm tỷ lệ 11,6%) và Trung Quốc 154 triệu USD (chiếm tỷ lệ 8,9%). 

Khu công nghiệp Mỹ Phước I, tỉnh Bình Dương

Ngoài ra, hàng loạt chỉ tiêu phát triển kinh tế trong năm 2021 được tỉnh Bình Dương đặt mức tương đương so với thành quả ước tính trong năm nay. Như, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh năm 2021 được kỳ vọng tăng 8,5-8,7%. Kế hoạch này tương đương mức mà tỉnh đã đưa ra cho năm 2020, trong khi thực tế chỉ tăng 6,91% (kế hoạch tăng 8,6 - 8,8%) so với cùng kỳ năm 2019. 

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho đây là mức tăng thấp so với kế hoạch đề ra nhưng là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Thêm vào đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm sau dự tính đạt 58.700 tỷ đồng. Con số này thấp hơn mức ước đạt năm 2020 là gần 60 nghìn tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2019). 

GRDP Bình Dương từ năm 2016-2020

 

Các ngành chủ lực của tỉnh duy trì mức tăng trưởng, tuy nhiên còn thấp so với cùng kỳ. Trong đó, ngành dệt tăng 1% (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,47%), may mặc tăng 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,29%). 

Nhu cầu chững lại do dịch bệnh Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, dẫn đến thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang, trang phục bảo hộ PPE, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa nhằm duy trì việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh.

Cũng giống như ngành dệt may, ngành da giày là ngành chịu tác động bởi dịch Covid-19, chỉ số sản xuất tăng 0,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,19%). 

Nhu cầu tiêu dùng giày dép, túi xách giảm mạnh ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chính, nhất là những thị trường tiêu thụ giày dép chủ lực của tỉnh (Đài Loan, Mỹ, EU...) sụt giảm khiến cho sản xuất toàn ngành hàng cũng giảm tốc đáng kể. 

Để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do châu Âu- Việt Nam (EVFTA), nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngành dệt may, da giày hiện chiếm 18,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương.

Riêng ngành chế biến gỗ (chiếm 19,9% tổng kim ngạch xuất khẩu), đặc biệt đồ gỗ nội thất trong những tháng cuối năm đã có đơn hàng xuất khẩu trở lại, liên tục tăng ca, tuyển thêm lao động để bảo đảm tiến độ.

Đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trong các năm tiếp theo.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Bình Dương chưa đạt như kỳ vọng dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh nhiệm vụ này.

Tính đến 15/11/2020, giá trị giải ngân đạt hơn 5.100 tỷ đồng, chỉ đạt 34,4% kế hoạch năm và thấp hơn 52,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Toàn tỉnh Bình Dương có gần 48.500 doanh nghiệp, cùng tổng vốn đăng ký trên 434.000 tỷ đồng; 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch hơn 12.600 hecta.

Chat qua zalo