Bộ Tài chính triển khai các giải pháp ngăn chặn chuyển giá, trốn, tránh thuế
Ngày:11/03/2020 02:38:06 CH
Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai đề án nhằm hoàn thiện chính sách và quản lý thu theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, áp dụng mức thuế suất hợp lý trên nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với khu vực và thế giới; đảm bảo tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, không để xảy ra tình trạng lạm thu hay gia tăng gánh nặng thuế đối với người nộp thuế.
Đồng thời, đề án cũng nhằm mở rộng cơ sở thuế trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam, ngoài mục tiêu đảm bảo thu NSNN, còn phải đảm bảo chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, qua thực hiện thanh, kiểm tra 96.343 cuộc tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra 517.554 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế trong năm 2019, cơ quan thuế đã phát hiện và ra quyết định truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế với hàng loạt doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Qua đó, Tổng cục thuế đã phát hiện nhiều phương thức lẩn tránh thuế của các DN FDI, như: chuyển nhượng vốn góp với giá cao hoặc kê khai giá đầu vào cao dẫn đến bị lỗ để không phải đóng thuế..
Điển hình như trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu ngoài lãnh thổ của Heineken dẫn đến phát sinh tranh chấp quyền đánh thuế giữa các nước có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Với trường hợp này, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phải chứng minh tỷ lệ giá trị tài sản hình thành từ bất động sản chiếm từ 50% tổng giá trị chuyển nhượng thì phải thực hiện theo pháp luật Việt Nam, DN phải nộp thuế tại Việt Nam.
Theo Đề án Bộ Tài chính phê duyệt, từ năm 2020 đến năm 2025, ngành Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý thuế nhằm thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, duy trì mục tiêu Việt Nam là một trong bốn nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp và điều chỉnh dần cơ cấu nguồn nhân lực đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ quản lý thuế và thông lệ quốc tế; đồng thời, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ giữa cơ quan thuế và người nộp thuế đảm bảo yêu cầu công tác quản lý điện tử, phù hợp với việc áp dụng hóa đơn điện tử toàn diện.
Đề án đã đưa ra các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế, chống chuyển lợi nhuận, ngăn ngừa trốn thuế và tránh thuế; rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật về thuế hiện hành để đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến các chính sách thuế để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ với các luật khác
Cơ quan thuế tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đáp ứng theo từng nhóm người nộp thuế; dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính thuế sẽ được thực hiện chủ yếu bằng hình thức điện tử trực tuyến, tập trung thống nhất trong hệ thống cơ quan thuế; ban hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử đối với DN, hộ kinh doanh khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ để giảm chi phí cho người nộp thuế, hạn chế rủi ro trong công tác quản lý thuế, tăng hiệu quả trong việc kiểm soát doanh thu, phục vụ mục tiêu tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng tăng cường đổi mới công tác đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và kế toán thuế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo hướng hoàn thiện thể chế và các quy trình quản lý nợ đáp ứng yêu cầu chuẩn mực quốc tế, phù hợp với Luật Quản lý thuế sửa đổi; tiếp tục đổi mới và tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ đối với người nộp thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng và đề xuất Chính phủ cơ sở pháp lý đủ mạnh để giải quyết các vấn đề chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các tập đoàn đa quốc gia phát triển theo những giá trị riêng biệt và có những biến động khó lường, khác biệt với hoạt động kinh doanh giữa các bên độc lập. Qua đó, đảm bảo việc xác định giá chuyển nhượng phù hợp với nơi giá trị được tạo lập và hoạt động kinh tế phải được đánh thuế tại nơi mà nó diễn ra hoạt động thực chất.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận bởi các biện pháp đơn phương và song phương không khả thi do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp; cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế...
Nguồn: tapchitaichinh.vn