Các công ty ô tô Trung Quốc đã bắt kịp các tượng đài Đức, Mỹ, Nhật

Theo The Economist, chương tiếp theo của lịch sử ngành ô tô sẽ được viết nên bởi các công ty tập trung vào công nghệ và cả những cái tên đến từ Trung Quốc.

Những bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp 3.000 tỷ USD

Để vận hành chiếc xe ô tô đầu tiên của thế giới lăn bánh trên đường phố Đức vào năm 1886, bạn sẽ phải thực hiện những bước khá cồng kềnh. Trước tiên cần đổ đầy bình xăng và nước làm mát, cẩn thận tra dầu vào các linh kiện bằng tay. Động cơ được khởi động bằng cách quay bánh đà cỡ lớn ở phía sau, sau đó người lái mới chộp lấy tai lái kiểm soát bánh duy nhất ở phía trước, đồng thời đẩy cần gạt về phía trước để bộ truyền động đưa chiếc xe tiến lên.

Sau mỗi 10-15km, khi hết xăng và nước, người lái phải lặp lại quá trình trên. Tuy nhiên, chiếc xe thực sự đã trở thành 1 cuộc cách mạng thời bất giờ, mở ra thời kỳ xe cộ chạy bằng động cơ đốt trong thay vì xe ngựa kéo như trước đó.

Đến nay, ô tô là ngành công nghiệp khổng lồ với gần 3.000 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Hơn 1 tỷ chiếc xe chạy trên các con đường trên khắp thế giới. Ngoài Đức có rất nhiều nước tiên phong trong ngành này. Pháp là quê hương của những loại xe đặc biệt như coupé, chauffeur và cabriolet.

Với chiếc Ford Model T ra mắt năm 1908, nước Mỹ mở đường cho công nghệ sản xuất ô tô trên quy mô lớn. Nhật Bản nổi tiếng với dây chuyền sản xuất just-in-time tính toán kỹ lưỡng đến từng khâu. Châu Âu lại là cái nôi của những cỗ máy phức tạp hạng sang và những công nghệ mới như túi khí.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Theo The Economist, chương tiếp theo của lịch sử ngành ô tô sẽ được viết nên bởi các công ty tập trung vào công nghệ và cả những cái tên đến từ Trung Quốc. Tesla của Elon Musk tiên phong trong làn sóng xe điện, trong khi Trung Quốc có thể là 1 người chơi mới nhưng đã nhanh chóng đạt được những bước tiến lớn.

Cho đến tận những năm 1980, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất một vài loại xe như chiếc limousine do hãng Hongqi sản xuất đưa đón cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. 40 năm sau, Trung Quốc đã trở thành siêu cường kinh tế và cũng đã phát triển được ngành ô tô xứng tầm. Năm 2009, nước này vượt Mỹ trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới và năm ngoái vượt Đức trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới.

Sự nổi lên của Tesla và Trung Quốc mang đến những thay đổi chưa từng thấy. Hiện nay điện khí hóa là xu hướng mạnh nhất. Pin lithium-ion trở thành công nghệ chủ chốt. Năm 2022, cứ 10 chiếc xe được bán ra trên thế giới thì có 1 chiếc xe điện (EV). Tính cả những chiếc xe lai chạy bằng cả pin và động cơ đốt trong (PHEVS), xe điện chiếm khoảng 13%, tương đương 10,5 triệu chiếc được bán ra.

Trung Quốc chiếm tới 6,1 triệu chiếc. Tesla, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, bán được 1,3 triệu chiếc. Đứng thứ hai là BYD của Trung Quốc. Trong nhóm các công ty truyền thống, Volkswagen (VW) là công ty điện khí hóa mạnh mẽ nhất nhưng chỉ đứng ởvị trí số hai với 570.000 chiếc xe điện được bán ra.

Điện khí hóa đang thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất ra 1 chiếc ô tô. Các công ty truyền thống thường dựa vào sự phức tạp và chi phí động cơ đốt trong để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Với việc phải chi 1 tỷ USD để phát triển động cơ đốt trong và 1 tỷ USD khác cho dây chuyền sản xuất và những thứ khác để có thể lập 1 công ty mới đạt công suất 150.000 – 200.000 chiếc mỗi năm, rào cản để thâm nhập thị trường này là rất lớn.

Từ Thế chiến thứ hai cho đến khi Tesla xuất hiện, có rất ít công ty ô tô vươn ra toàn cầu thành công. Những cái tên như Toyota và Nissan của Nhật Bản hay Huyndai và Kia của Hàn Quốc đều nhận được sự hậu thuẫn cực lớn của chính phủ, từ nguồn lực tài chính cho đến chính sách bảo hộ thị trường nội địa.

Do đó, bản chất khá đơn giản của pin và động cơ điện đã xóa bỏ những rào cản này. Một nhóm các startup đến từ Trung Quốc (gồm Li Auto, Nio và Xpeng) và Mỹ (như Fisker, Lordstown, Lucid và Rivian) đang đi theo mô hình của Tesla.

Điện khí hóa giúp Trung Quốc từ chỗ là 1 thị trường bị phương Tây bỏ xa vì rào cản quá lớn từ động cơ đốt trong giờ đây đã lọt vào hàng ngũ dẫn đầu. Chính phủ nước này đặc biệt khuyến khích các công ty quốc doanh và cả tư nhân xây dựng ngành công nghiệp xe điện.

Tương lai nào khi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt?

Thị trường ô tô vốn đã cạnh tranh giờ trở nên khốc liệt hơn. Doanh số bán xe đã đi qua đỉnh. Từ năm 2018, doanh số đã bắt đầu sụt giảm do thị trường bão hòa, môi trường kinh tế vĩ mô xấu đi và đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Sản lượng của ngành ô tô toàn cầu cũng đã đạt đỉnh từ năm 2017, ở mức khoảng 73 triệu chiếc xe chở khách. Nhu cầu của Trung Quốc đi xuống đúng lúc thế giới thiếu chip. Đến năm 2022, sản lượng toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 62 triệu chiếc.

McKinsey dự báo đến năm 2035 sản lượng toàn cầu mới có thể tăng trở lại mức 70 – 95 triệu chiếc. Tuy nhiên, các thị trường tăng trưởng nhanh nhất đều là mới nổi như châu Phi, Ấn Độ, Mỹ Latinh và Đông Nam Á, nơi chuộng ô tô giá rẻ. Châu Âu, Mỹ hiện đã đạt đỉnh và Trung Quốc sẽ sớm ở trong tình trạng tương tự. Kể cả những người lạc quan nhất cũng dự báo sản lượng của Trung Quốc chỉ tăng 2,3% mỗi năm trong thập kỷ sau 2019, so với mức gần 7% của thập kỷ trước đó.

Nếu như trước đây sức mạnh của các thương hiệu ô tô được đánh giá bằng những thông số kỹ thuật của động cơ hay các linh kiện thì trong tương lai điểm nhấn sẽ là trải nghiệm của người dùng – thứ được quyết định bởi phần mềm nhiều hơn là phần cứng. Những chiếc xe được trang bị cả hệ thống siêu máy tính sẽ mang đến những tính năng thông minh như hệ thống giải trí đa phương tiện, điều khiển bằng giọng nói… Rất nhiều hãng xe lâu đời đang ghen tị với Tesla. Xuất thân từ công ty công nghệ, Tesla có được lợi thế dẫn đầu về phần mềm.

Hành trình tới chiếc xe tự lái hoàn toàn vẫn còn nhiều rào cản, nhưng một phiên bản hạn chế hơn như tự lái trên một số loại đường đang có rất nhiều tiềm năng. Các nhà sản xuất ô tô cũng thay đổi cách tham gia vào dịch vụ thuê xe và gọi xe chung, dẫn đến những thay đổi trên thị trường bán lẻ.

Yếu tố cuối cùng quyết định tương lai của ngành ô tô là căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàng rào thuế quan tăng lên, những hạn chế về chuyển giao công nghệ, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng và chính sách bảo hộ được tăng cường. Tất cả đều đe dọa sẽ đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa và các hãng ô tô phải nhanh chóng thích ứng với thử thách đặc biệt này.

Các huyền thoại vẫn có rất nhiều lợi thế: kỹ năng sản xuất thượng thừa, sức mạnh thương hiệu và nguồn vốn khổng lồ. Tuy nhiên, lợi thế của các startup sẽ là bộ máy gọn nhẹ và không bị đè nặng bởi danh mục sản phẩm đồ sộ - thứ khiến chi phí bị đội lên rất cao.

Cuộc đua phía trước chắc chắn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ. Đối với cả người cũ và người mới, chiến thắng sẽ thuộc về những ai có thể phản ứng nhanh nhạy và linh hoạt nhất.

 

Chat qua zalo