Các dự án khu công nghiệp ồ ạt 'lót ổ' đón sóng đầu tư
Ngày:30/05/2020 09:42:24 SA
Đón sóng đầu tư không chỉ ồ ạt mở rộng đất khu công nghiệp, cần phải đồng bộ các dịch vụ
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã ngầm manh nha cho sự dịch chuyển dòng vốn FDI trên thế giới. Đại dịch COVID-19 như chất xúc tác khiến quá trình dịch chuyển này nhanh chóng hơn và mở ra cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam và các nước đang ráo riết "lót ổ" mở rộng diện tích đất khu công nghiệp để đón dòng vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc.
Sức hút dòng vốn FDI của đất công nghiệp Việt Nam
Năm 1987 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đã hút vốn đầu tư FDI bắt đầu thúc đẩy mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế... được hình thành. Các khu công nghiệp bắt đầu được mở rộng dần thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Hiện nay số Khu công nghiệp ở nước ta đã lên tới 335 Khu công nghiệp, có 260 KCN đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang được xây dựng. Tổng diện tích đất tự nhiên đạt 97,8 nghìn ha. Trong đó, đất công nghiệp chiếm khoảng 66,1 nghìn ha.Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 75,7%.
Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, với sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư FDI của các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc và tác động của dịch COVID-19, một lần nữa, việc phát triển các KCN mới được nhà đầu tư trong nước rầm rộ đầu tư. Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có tới 5 KCN mới được thành lập với diện tích đất khoảng 800 ha. Trong khi đó, cả năm 2019, cả nước chỉ có 4 KCN thành lập mới so với năm 2018. Tỷ lệ lấp đầy cũng tăng thêm 1,5%, lên con số 75,7% trong 3 tháng đầu năm 2020.
Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Đình Vũ - Đại diện tập đoàn Sao Đỏ tiết lộ giai đoạn này, số lượng các đối tác nước ngoài đang có nhu cầu đầu tư đất công nghiệp tăng nhanh. Điển hình như đại diện SK E&C (trực thuộc tập đoàn SK - một trong 4 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc) đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trước đó, tập đoàn này rót khoảng 1,5 tỷ USD vốn đầu tư tại Việt Nam và cho biết sẽ không ngừng mở rộng quy mô đầu tư.
Bên cạnh việc mở rộng và xây dựng mới các khu công nghiệp, nhiều khu công nghiệp trước đây bị bỏ hoang nay được “tái sinh”. Tiêu biểu như dự án KCN Việt Hòa - Kenmark (Hải Dương) quy mô 46 ha của nhà đầu tư Đài Loan hứa hẹn vốn đầu tư 500 triệu. Sau nhiều lần bán đấu giá thất bại, năm 2019, Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát đã mua lại khu công nghiệp và tiếp tục đầu tư, đổi tên thành khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát. Đến nay khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp thuê đất.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, làn sóng chuyển dịch đầu tư trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Làn sóng dịch chuyển đầu tư này sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nước,trong đó có Việt Nam.
“Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài có ý định dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam về các yếu tố như phương thức ưu đãi, mong muốn của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang sửa Luật Đầu tư để bổ sung quy định nhằm đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển”, ông Hoàng cho biết.
Không chỉ là bán quyền cho thuê đất mà cần phải đồng bộ dịch vụ.
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, bên cạnh những thành công mang lại, việc các khu công nghiệp đang mọc lên ồ ạt theo “phong trào” sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không tốt đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, để đón làn sóng đầu tư mới hiệu quả, rất cần một sự định hướng phát triển KCN bền vững theo chiều sâu, nâng cao quả kinh tế và thân thiện vớimôi trường.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch HHĐT nước ngoài đánh giá, mặc dù phát triển từ lâu nhưng hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu công nghiệp chỉ dừng lại ở bước san lấp mặt bằng rồi chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Thậm chí, có một số khu công nghiệp chưa có đường giao thông để vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa.
Như vậy, một lưu ý nữa đối với thị trường Bất động sản công nghiệp Việt Nam được đặt ra : "Bất động sản công nghiệp không chỉ là bán quyền cho thuê đất mà cần phải đồng bộ dịch vụ. Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT cần đang nghiên cứu, quan sát để đưa ra quy hoạch cụ thể, Tránh tình trạng rầm rộ xây dựng khu công nghiệp theo phòng trào”, ông Toàn kiến nghị.
Điều tối quan trọng với hạ tầng KCN là phải có khu xử lý chất thải, xử lý nước. Bởi vì khi đầu tư bất kỳ dự án nào, việc đảm bảo yếu tố môi trường rất quan trọng. Doanh nghiệp FDI sẽ gặp khó khăn trong việc tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Giá xử lý nước thải cũng cần minh bạch để nhà đầu tư tính vào chi phí thực hiện dự án.