Các nước có nền kinh tế sơ khai và kịch bản hồi phục

Theo đánh giá, nhóm thị trường sơ khai là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đây là đối tượng dễ bị lụi tàn nhất vì khả năng "kháng dịch" còn yếu. Nhưng cũng có một kịch bản mới có thể xảy ra chính là khả năng hồi phục nên kinh tế của các quốc gia này.

CÚ SỐC CHƯA TỪNG THẤY

Nhóm thị trường mới nổi sơ khai hiện gồm 34 nền kinh tế, từ Argentina, Bahrain và Bangladesh cho tới Togo, Tunisia và Việt Nam. Thông thường, các thị trường này sẽ chịu thiệt hại khi hoạt động kinh tế trong nước suy yếu, hơn là vì các yếu tố bên ngoài. Vì nền kinh tế mới nên sự kết nối và phụ thuộc vào các quốc gia lớn trên thế giới chưa cao. Điều này cũng là một lợi thế giúp giảm bớt gánh nặng đứt quãng nguồn cung ứng.

Nhưng bên cạnh đó, một số quốc gia trong đó sẽ bộc lộ điểm yếu khi nguồn thu nhập từ bên ngoài (thông qua du lịch và kiều hối) phải chịu cú sốc chưa từng thấy. Ví dụ, với một nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn như Sri Lanka, du lịch giảm mạnh có thể gây ra cú sốc lớn. Còn các quốc gia như Nigeria và Ai Cập sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi xuất khẩu và kiều hối giảm.

Với một số trường hợp khác, sự gián đoạn đối với nền kinh tế thực do các biện pháp phong tỏa gây ra có thể khiến các lỗ hổng trong hệ thống tài chính lộ rõ hơn. Điều này đặc biệt đúng với Bangladesh, quốc gia có tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ lên tới khoảng 30% GDP cả nước và ngành ngân hàng bị thiệt hại trong nhiều năm vừa qua do thanh khoản kém.

BỨC TRANH KHÁC CỦA THỊ TRƯỜNG SƠ KHAI

Dựa trên những đánh giá tình hình thực tế và tiềm năng từng khu vực, có thể thấy một số quốc gia có khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ một khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong đó Philippines, Peru và Việt Nam đang là các quốc gia có vị thế tốt nhất để phục hồi nhờ lĩnh vực ngân hàng có sự linh hoạt và kho dự trữ ngoại hối bền vững.

Ảnh minh họa

Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 thành công. Số lượng ca nhiễm Covid-19 thấp, không có người tư vong, điều này giúp chính phủ Việt Nam nhanh chóng quyết định tái mở cửa sớm hơn so với nhiều quốc gia và đến nay, hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường như thời kỳ trước dịch. Tính đến giữa tháng 5, hoạt động ở tất cả lĩnh vực đều đã phục hồi hoàn toàn, trừ bán lẻ nhưng doanh số cũng chỉ giảm 15% so với trước dịch.

Với Philippines, quốc gia này có kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, mức thâm hụt thấp và hệ thống ngân hàng có thanh khoản dồi dào. Hơn nữa, tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP chỉ ở 24%, chưa bằng một nửa mức trung bình của khối thị trường mới nổi. Dự trữ ngoại hối của Philippines đủ để chi trả cho việc nhập khẩu hàng hóa trong gần 12 tháng, cao hơn nhiều so với các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan hay Indonesia. Chính sách tài chính và tiền tệ được mở rộng đáng kể nhưng không đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Cũng giống như Philippines, Peru đang mạnh tay triển khai các biện pháp nhằm giải quyết thách thức về y tế do dịch Covid-19 gây ra. Về phương diện kinh tế, quốc gia này cũng được hưởng lợi bởi chính sách tài chính và tiền tệ thông thoáng hơn. Mức độ thâm hụt và tổng nợ đều ở mức thấp. Ngay cả với gói kích thích có giá trị tương đương 8% GDP, mức cao so với các thị trường mới nổi, Peru vẫn có thặng dư ngân sách nhờ có nhiều nguồn thu nhập trong và ngoài nước.

Ngay cả Ai Cập và Pakistan, hai quốc gia có tổng nợ cao và được đánh giá là dễ bị tổn thương, cũng có thể tăng trưởng vượt bậc. Chính phủ hai nước đều tái khẳng định sẽ thực hiện các cam kết về cải cách thuế và dịch vụ dân sự, đồng thời tiếp tục tham gia vào chương trình vay vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Cụ thể, tại Pakistan, triển vọng kinh tế cải thiện rõ rệt từ sau khi ông Imran Khan thắng cử vào năm 2018. Trong một thời gian ngắn, Pakistan ghi nhận những tiến triển đáng kể về tâm lý kinh doanh và chính sách kinh tế vĩ mô. Ngân hàng nhà nước cũng đã thực hiện một cuộc cải cách toàn diện để xây dựng hình mẫu một ngân hàng trung ương hiện đại dưới chính quyền lãnh đạo mới.

Trong khi đó, tình trạng bất ổn tại Ai Cập được giảm đáng kể nhờ chính phủ tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế… Giống như Peru, quốc gia này cũng được phép tham gia thị trường trái phiếu châu Âu. Điều này, cùng với dự trữ ngoại hối lớn, sẽ giúp Ai Cập đối phó được tình trạng khoản thu ngoại hối giảm do du lịch và dòng kiều hối suy yếu, đồng thời giữ được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường nợ nội địa.

Nói cách khác, các quốc gia này đang tạo ra những cơ hội tốt nhất cho giới đầu tư. Nhìn chung, thị trường sơ khai có thể tăng trưởng mạnh hơn các thị trường phát triển trong ngắn và trung hạn. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng dự báo khối thị trường mới nổi sơ khai sẽ phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể trở lại mức trước dịch Covid-19. Trong khi đó, khối thị trường phát triển sẽ vẫn suy yếu trong dài hạn.

Giới đầu tư không nên bỏ qua tiềm năng của các thị trường mới nổi sơ khai hậu Covid-19. Lý do rất đơn giản là bảng cân đối của chính phủ có khả năng nhanh chóng phục hồi, tình hình quản trị hệ thống được cải thiện và quỹ đạo tăng trưởng có nhiều hứa hẹn.

Nguồn: Người đồng hành

Chat qua zalo