Cách AirAsia “bay ngược gió”!

Có vẻ như đại dịch COVID-19 đã khiến hãng hàng không giá rẻ của Malaysia đẩy nhanh bước chuyển mình thành “Siêu ứng dụng ASEAN”.

Không phải thời điểm này mà nỗ lực số hóa của AirAsia đã bắt đầu từ năm 2016, khi CEO lúc đó của hãng, Tony Fernandes đã công bố kế hoạch biến AirAsia thành một “hãng hàng không kỹ thuật số”. 

Tony Fernandes ông chủ của hãng hàng không bình dân AirAsia.

Và đến cuối năm ngoái, Karen Chan, CEO hiện tại của AirAsia, trong Triển lãm Bán lẻ Du lịch Ảo Moodie Davitt, đã cung cấp thêm chi tiết về cái cách mà AirAsia chuyển đổi từ một hãng hàng không bình dân sang một công ty kỹ thuật số, ở đó họ bắt tay vào khai thác các ngành dọc kinh doanh mới và chủ động bắt đầu lại chuyến du lịch thông qua trải nghiệm hành khách được số hóa. 

Có thể nói, tầm nhìn mới của hãng được triển khai trên ba trụ cột chính: du lịch, thương mại điện tử và fintech. 

Về du lịch, mục tiêu của AirAsia là trở thành một trong những Online Travel Agent(OTA) hàng đầu ở khu vực châu Á. Ở đây OTA được gọi là các đại lý du lịch trực tuyến, bán các sản phẩm dịch vụ du lịch như: Chuyến bay, tour du lịch, các sản phẩm phụ trợ và nền tảng đặt phòng khách sạn ...

AirAsia có một lợi thế rất lớn khi họ được coi là một OTA duy nhất có hãng hàng không và điều đó có thể đảm bảo giá tốt nhất cho bất kỳ chuyến bay và gói khách sạn nào trên tám quốc gia trong ASEAN.

Và đồng thời, hãng cũng đưa ra một sáng kiến mới mẻ và hợp thời khi cung cấp dịch vụ AirAsia Health. Sáng kiến này sẽ cung cấp dịch vụ bay thuê bao y tế cho bệnh nhân và du lịch chữa bệnh. 

CEO Karen Chan cho biết: “Trang web của chúng tôi là AirAsia.com hiện đang cung cấp giao dịch trực tuyến từ tư vấn ban đầu đến đặt phòng khách sạn và chuyến bay của bạn, có nhân viên hướng dẫn riêng để đón bạn và đi cùng bạn bằng ngôn ngữ phù hợp trong thời gian chuyển tiếp đến bệnh viện. Giờ đây, chúng tôi có thể sắp xếp việc này chỉ bằng một ứng dụng trên AirAsia.com”.

Karen Chan được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của airasia vào tháng 12 năm 2019.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại điện tử, AirAsia cũng đã nhận thấy cơ hội để phát triển nhánh hậu cần của mình, Teleport. Hãng hàng không đang cho phép khách hàng đặt mua các sản phẩm miễn thuế, cũng như thực phẩm và sản phẩm tươi sống, hiện có thể được giao thẳng đến cửa của họ.

Rõ ràng AirAsia đang nhìn thấy tiềm năng từ lĩnh vực thương mại điện tử, bởi đây là động lực lớn thúc đẩy tốc độ và tần suất người tiêu dùng đến với ứng dụng của họ. Theo ước tính của hãng, nếu chỉ đơn thuần tập trung vào mảng du lịch, tần suất khách hàng viếng thăm chỉ là khoảng 2 đến khoảng 5 lần mỗi năm, nhưng bằng cách tung ra thương mại điện tử, tần suất đó có thể là hàng tuần và thậm chí là hàng ngày.

Ngành dọc cuối cùng mà AirAsia tập trung vào là fintech, giúp hãng hàng không tạo ra một hệ thống thanh toán và nội dung thống nhất, cho phép khách hàng đổi điểm khách hàng thân thiết của họ trên toàn bộ mạng lưới của AirAsia. 

Cuối cùng, điều quan trọng là tất cả các ngành dọc này đều được củng cố bởi nhóm truyền thông của AirAsia, bao gồm các dịch vụ liên quan đến adtech, nội dung và truyền thông, thuộc AirAsia Media Group. Group này được cho là sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái đầy đủ của hãng hàng không.

Có thể nói, cuộc chuyển hướng của AirAsia là một câu chuyện đầy cảm hứng về hướng đi mà các hãng hàng không khác có thể sẽ “bắt chước” trong vài năm tới. Mặc dù vẫn chưa nhìn thấy những kết quả thực sự nhưng đây có thể được coi là cách giải quyết những thách thức và khủng hoảng kéo dài trong ngành hàng không do đại dịch COVID-19 gây ra.

Chat qua zalo