Cân bằng trong phân bố các khu công nghiệp
Ngày:15/04/2020 10:47:57 SA
Trước đây, các KCN nằm ở các địa phương xa trung tâm như Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú rất khó thu hút nhà đầu tư do hạn chế về kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trước đây các KCN tại các địa phương nói trên do cách xa trung tâm
Ảnh minh họa
(TP.Biên Hòa) nên chỉ có một số doanh nghiệp dệt may, giày da đầu tư. Tỷ lệ đất cho thuê vì thế cũng đạt thấp.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, khi hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, những KCN tại các địa phương này đã trở nên “hút khách” hơn. Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, do hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, các KCN này đã trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Nhiều KCN trước đây được xem là các KCN “vùng sâu, vùng xa” như các KCN Tân Phú, Xuân Lộc, Long Khánh hiện nay đều đã và đang xin được mở rộng diện tích.
Đặc biệt, nhiều dự án lớn về giao thông qua địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai xây dựng như các đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu... và nhất là dự án Sân bay Long Thành hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội để phát triển thêm các KCN tại các địa phương xa trung tâm.
Theo quy hoạch phát triển các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 35 KCN với tổng diện tích gần 12 ngàn hécta. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 32 KCN được thành lập, trong đó đã có 31 khu đã đi vào hoạt động.
Thống kê của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho thấy, hiện nay có hơn 76% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã được cho thuê. Đặc biệt, trong số 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có gần 20 khu đã lấp đầy diện tích đất cho thuê.
Do đó, việc mở thêm các KCN trên địa bàn tỉnh là nhu cầu cần thiết hiện nay. Với chủ trương không mở thêm các KCN mới tại 3 khu vực đô thị lớn, việc phát triển thêm các KCN mới được Đồng Nai định hướng ưu tiên cho các địa phương vùng xa nhưng sắp được “hưởng lợi” lớn nhờ các dự án giao thông sắp triển khai xây dựng. “Tỉnh đang đề nghị cho mở thêm các KCN mới ở các địa phương có các dự án đường cao tốc đi qua như tại các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho hay.
* Ưu thế nguồn lao động
Ngoài yếu tố hệ thống giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, các địa phương trước đây vốn không được đánh giá có thế mạnh phát triển các KCN như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất còn có thêm lợi thế về nguồn lao động khi phát triển mới các KCN.
Có thể nhận thấy, hiện nay tại các khu vực phát triển sớm về công nghiệp như TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, nguồn cung lao động không đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này được thể hiện rõ qua sự khó khăn trong tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp những năm gần đây.
Ông Mai Văn Nhơn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do tại các khu vực này vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động di cư từ các địa phương khác. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi các KCN ngày càng xuất hiện tại nhiều địa phương, lượng lao động nhập cư vì thế cũng giảm dần.
Do đó, nguồn cung lao động lại trở thành lợi thế để các KCN được mở mới tại các địa phương vùng xa thu hút các nhà đầu tư. Hiện các nhà đầu tư cũng đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư tới các KCN xa trung tâm nhằm tận dụng nguồn lao động nông thôn sẵn có tại các địa phương.