Cạnh tranh, thu hút và giữ chân được các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao
Ngày:04/10/2023 03:42:59 CH
Thiếu vắng dự án lớn và nỗi lo vuột mất dự án tỷ USD
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Con số là khá tích cực, khi dòng vốn đầu tư vẫn “chảy” vào Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, tốc độ tăng đã giảm nhẹ 0,5 điểm phần trăm so với mức tăng của 8 tháng (tăng 8,2%).
Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn chính là một trong những nguyên nhân khiến dù số lượng dự án đăng ký mới vẫn đạt 2.254 dự án, tăng 66,3% so với cùng kỳ, song tổng vốn đầu tư đăng ký lại chỉ tăng nhẹ.
Việc vốn đầu tư tăng thêm giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 5,15 tỷ USD, mặc dù số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư vẫn tăng 21,5%, cũng xuất phát từ lý do chung là thiếu vắng dự án quy mô lớn.
Về kinh tế giữa kỳ 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Thu hút đầu tư khó khăn, khi dòng vốn đầu tư toàn cầu bị thu hẹp.
Hơn thế nữa, từ năm 2022, không có nhiều dự án quy mô lớn và lý do là vì các tập đoàn đầu tư lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và suy giảm kinh tế toàn cầu.
Không chỉ khó thu hút, mà thực tế, cũng đã có những cơ hội tỷ USD mà Việt Nam đã bị bỏ lỡ. Cách đây 2 năm, nhà đầu tư từ Áo AT&S đã tới Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư một dự án bán dãn 1,6 tỷ EURO. Cơ hội là rất lớn, AT&S đã thảo luận với một số địa phương về việc phát triển dự án này. Nhưng cuối cùng, nhà đầu tư này đã quyết định chọn Malaysia và lý do là vì, Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Gần đây, thông tin cho biết, một nhà đầu tư khác cũng đã chọn một quốc gia khác để đầu tư một dự án công nghệ cao hàng tỷ USD, thay vì lựa chọn Việt Nam. Và một trong những nguyên nhân là vì Việt Nam chưa sẵn sàng các chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhà đầu tư, bao gồm cả hỗ trợ về tài chính trong trường hợp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Đã từng có lần chia sẻ về các cơ hội bị bỏ lỡ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng, đây là “cuộc chơi” mà nếu không kịp thay đổi tư duy, không chủ động và sẵn sàng với các tình huống mới, bất ngờ phát sinh, thì sẽ không thể tranh thủ được cơ hội phát triển.
Thực tế, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia phát triển, cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để thu hút đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, ví dụ như công nghiệp bán dẫn.
Kể từ năm 2022 đến nay, không nhiều dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư
Thông tin được đưa ra hồi giữa năm 2023, Tập đoàn Intel đã cho biết sẽ đầu tư hơn 30 tỷ EUR (33 tỷ USD) vào Đức như một phần trong kế hoạch mở rộng tại châu Âu. Đây là dự án quan trọng đối với tham vọng biến Đức thành trung tâm bán dẫn toàn cầu.
Theo nguồn tin của Reuters, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới sẽ được Đức tài trợ 10 tỷ EUR, một khi quyết định đầu tư vào quốc gia này.
Ngoài Đức, Intel cũng đồng thời công bố kế hoạch đầu tư nhà máy chip 4,6 tỷ USD ở Ba Lan. Israel cũng đang đặt hy vọng vào dự án 25 tỷ USD của “ông lớn” này. Và dường như tất cả đều đang sẵn sàng dành cho Intel những khoản hỗ trợ không nhỏ.
Cấp bách có chính sách mới để không bỏ lỡ “đại bàng”
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới… Xu hướng dịch chuyển đầu tư của hàng loạt “ông lớn” như Samsung, LG, Intel, Foxconn, Goertek, Pegatron… cho thấy rằng, nếu biết tận dụng cơ hội và có chính sách cạnh tranh quốc tế, Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn nữa các dự án tỷ USD.
Trong chuyến công du Mỹ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp hàng loạt tập đoàn lớn, như Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers. Các tập đoàn này đều cho biết mối quan tâm lớn đến điểm đến đầu tư Việt Nam.
“Việt Nam là thị trường, địa bàn sản xuất rất quan trọng của chúng tôi. Hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác”, ông Nick Ammann, Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu và các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Apple đã cho biết như vậy.
Trên thực tế, sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu các sản phẩm của Apple tại Việt Nam trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức thời gian qua khẳng định sự tin tưởng của Tập đoàn với thị trường Việt Nam. Và không chỉ là Apple, mà các nhà đầu tư khác cũng tin tưởng ở Việt Nam.
Trong khi đó, tại một cuộc thảo luận tại Mỹ, các chuyên gia đều khuyến nghị rằng, Việt Nam cần hướng tới vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Theo GS. David Dapice và GS. Shang Jin-Wei, Đại học Columbia, để Việt Nam nâng cao hơn tính hiệu quả của nền kinh tế, tiến lên những vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng và sản xuất, cần tiếp tục chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao với kỹ năng tốt; tiếp tục hoàn thiện thể chế; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao…
Đây cũng chính là những định hướng mà Việt Nam đang hướng tới. Đánh giá về tình hình kinh tế giữa kỳ, một trong những mối lo đó là khó đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% trong 5 năm 2021-2025. Và một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đó chính là tăng cường thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, những doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi giá trị, đặc biệt là trong các ngành sản xuất mới như Hydrogen xanh, chip bán dẫn.
Để thu hút đầu tư từ các “đại bàng” này, không còn cách nào khác phải cấp bách ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới. Đề xuất điều này, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng, với các nhà đầu tư chiến lược, thì không loại trừ việc ưu đãi đầu tư bằng tiền mặt.
“Nhiều nước tiên tiến cũng áp dụng chính sách này để thu hút các nhà đầu tư lớn, họ lấy đó làm ‘mỏ neo’ để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm”, ông Nguyễn Anh Thi nói.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Dự kiến, có 4 nhóm doanh nghiệp được thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư này, bao gồm doanh nghiệp có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; và doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.
Theo Dự thảo Nghị quyết, các hình thức hỗ trợ được đề xuất là hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ việc R&D. Các khoản hỗ trợ này được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước…
Các chính sách này dự kiến được áp dụng cho cả nhà đầu tư hiện tại, nhà đầu tư mới cả trong và ngoài nước, miễn là đáp ứng được các yêu cầu đề ra, trên tinh thần bình đẳng. Hơn nữa, do chưa được quy định trong luật nên trước hết sẽ thực hiện thí điểm, để kiểm nghiệm, đánh giá trước khi được luật hóa.
Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội thông qua.
Việc này là cấp thiết để Việt Nam có thể cạnh tranh và thu hút, giữ chân các đại bàng. Điều này không chỉ tác động đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đã được đặt ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, là thu hút được 150-200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, 200-300 tỷ USD trong giai đoạn 2026-2030, mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển lớn hơn của nền kinh tế.