'Chính phủ cần bơm tiền ra thật nhiều để giúp kinh tế phục hồi'

Kinh tế Việt Nam có thực sự "tươi sáng" không?

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) vừa tổ chức cuộc gặp mặt đầu Xuân để giúp các doanh nghiệp tìm cách hợp tác, liên kết, sáng tạo, cùng đồng hành để biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh khủng hoảng do dịch Covid-19. 

Phân tích về những điểm bất thường tích cực và tiêu cực trong bức tranh kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Giữa thế giới đang suy giảm, Việt Nam lại giữ được mức tăng trưởng cao là điều rất đáng để ghi nhận. Trong đó, điểm đáng ghi nhận nhất là nỗ lực của Chính phủ trong điều hành ổn định kinh tế vĩ mô.

Vốn FDI triển vọng cao, ký được những hiệp định thương mại quốc tế, trở thành nơi hội tụ thương mại thế giới, số dự án FDI tăng 27%, tuy nhiên số vốn các dự án ấy lại giảm 6,8%, có nghĩa quy mô dự án bé đi rất nhiều (trung bình nhỏ đi 37%), đó là điều đáng lưu ý. Theo điều tra sơ bộ ban đầu, đa số dự án nhỏ Trung Quốc chạy sang Việt Nam vì chiến tranh thương mại, biến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hoá, chế biến sơ bộ rồi xuất đi. "Chúng tôi đã lưu ý Chính phủ về vấn đề này", ông Thiên nói.

Thứ hai, số vốn nhà đầu tư nước ngoài mua doanh nghiệp Việt Nam tăng lên rất mạnh (con số 54,6%), có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam đang trở thành miếng mồi ngon trước nguy cơ bị nuốt chửng. Điểm này rất đáng lưu ý bởi cơ hội hay thách thức thế nào cũng khó để xác định ngay được.

Hàng hoá xuất nhập khẩu vẫn đang triển vọng rất tốt nhưng năm ngoái xuất nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh, chứng tỏ mức độ gia tăng lệ thuộc thị trường. Mỹ là nơi nghiêm nghặt thương mại nhưng Việt Nam lại là nước xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 16%, riêng khách Trung Quốc, Hàn Quốc tăng 19%, tính lệ thuộc thị trường khách càng tăng lên, trong khi chưa phát triển du lịch theo hướng gia tăng chất lượng khách du lịch, vẫn thích kiểu kéo khách ồ ạt.

"Những điểm này chúng tôi đã cảnh báo nhiều năm rồi, nhưng cách kinh doanh dễ làm khó bỏ, thông minh nhưng dễ tính, nên du lịch và xuất khẩu đang lãnh hậu quả. Cách đây mấy ngày, chỉ số minh bạch và chống tham nhũng của Việt Nam đã tăng mấy bậc. Đi vào năm 2020, tôi muốn tổng kết lại mấy điểm bất thường trên. Năm ngoái chúng ta khen mình nhiều quá, nhưng phải biết khen gì để tạo niềm tin. Khi nói doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng, và vai trò của Chính phủ kiến tạo, thì hai bên phải đồng nhịp với nhau. Chính phủ đồng hành quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, như việc không để gây ra cú sốc lớn về bất động sản. Bài học bình tĩnh để ổn định vĩ mô cũng là bài học lớn để chống dịch.

Điểm bất thường tích cực nữa là tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp là bất ngờ, trong điều kiện thế giới bất ổn là có cơ sở. Chúng ta lệ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc, hai ông lớn này choảng nhau mà Việt Nam lại bình yên là điều có thể tự tin. Hơi bất thường nữa là trong điều kiện khó khăn mà chúng ta vẫn hoàn thành được ký kết hai hiệp định lớn là CPTPP và EVFTA, khiến Việt Nam có tư thế mời các nước hàng đầu thế giới vào chơi với mình, biến thành điểm hấp dẫn thế giới. Tạo ra khả năng đó là tuyệt vời, nhưng hấp thụ nó lại là thách thức, cho nên người ta vào hưởng lợi nhiều hơn chúng ta hưởng lợi", ông Thiên nhấn mạnh.

Một bất thường tiêu cực khác theo ông Thiên là giải ngân đầu tư công ngày càng chậm, mà chậm một cách tệ hại, tức là có bệnh bên trong. Nền kinh tế Việt Nam không biết là chim sẻ hay chim đại bàng, nhưng toàn bay một cánh. Ngày xưa coi trọng doanh nghiệp nhà nước, giờ lại coi trọng doanh nghiệp tư nhân, khiến cho lúc cánh này xệ xuống, lúc cánh kia xệ xuống. Nếu hai cánh cùng bay có thể GDP tăng 12% chứ không chỉ 7%.

Tăng trưởng các thành phố đầu tàu đang dừng lại, đặc biệt TP. HCM. Hải Phòng tăng trưởng 16,68% vì nhờ có Vinfast. TP. HCM là 7,86% nhưng không phải tốt nhất cả nước, vì không có nông nghiệp, chỉ có công nghiệp và dịch vụ là chủ yếu. "Có nghĩa TP. HCM đang bị kẹt lại. Bàn về TP. HCM là phải bàn trên lập trường vì cả nước, chứ không phải chỉ cho TP. HCM", ông Thiên nói.

Dòng vốn từ Hồng Kông và Trung Quốc đang vượt lên dẫn đầu, trong khi đó dự án đa số quy mô nhỏ, tranh chấp với chính các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam. Hàn Quốc phát triển được nhờ rất khắt khe với FDI nước ngoài, họ không cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vào, chỉ ưu đãi doanh nghiệp FDI lớn. TP. HCM phải đi đầu trong thay đổi tư duy này. Muốn thay đổi phải có tiêu chí để đánh giá, việc này những hiệp hội như HUBA rất quan trọng, thậm chí phải cùng Chính phủ đứng ra giám sát.

"Kinh tế Việt Nam mấy năm qua tốt, nhưng lòng tin xã hội chưa vững chắc, nền tảng cơ cấu còn yếu, ba đột phát chiến lược còn chậm là Thể chế, Hạ tầng giao thông, Nhân lực. Tại sao bản đồ giao thông TP. HCM kém thế? Chứng tỏ đột phát thứ hai có vấn đề, trong khi chưa làm được ở TP. HCM thì đường sắt Hà Nội - Lào Cai lại được đặt ra, tại sao vậy? Phải tập trung hạ tầng giao thông cho miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Đề cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân nhưng thực sự còn nhiều vấn đề lắm. Vai trò các tập đoàn kinh tế tư nhân chưa được coi trọng. Hiện nay sức mạnh của các tập đoàn tư nhân đang lớn mạnh, nhưng thử hỏi tập đoàn tư nhân nào đang tạo ra chân dung cho TP. HCM? Vai trò của từng nhóm, từng tuyến thế nào? TP. HCM phải đi đầu giải quyết vấn đề này, tập trung phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân như là trụ cột chuỗi sản xuất, chứ không phát triển theo lợi ích nhóm.

Thứ hai vai trò đầu tư công, đáng lẽ vốn dành cho phát triển lại dùng làm hạ tầng, phần vốn đó tư nhân cứ phải bỏ vào lo hạ tầng là trật. Cách tiếp cận phải khác đi. Các đại án chùa chiền như Bái Đính, những sự cố khiến tâm thế xã hội gây ra sự phân tán sức mạnh quốc gia cũng phải bàn đến nơi đến chốn. Giai đoạn tranh tối tranh sáng này, doanh nghiệp phải có ý kiến để xây dựng kinh tế quốc gia, không để FDI lấn át”, ông Thiên khẳng định. 

Xu thế toàn cầu hoá thế giới thay đổi?

Theo nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên, con virus Corona bé nhỏ có thể đánh đổ các cường quốc, dịch cúm có thể sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế nhưng sẽ qua theo mùa vụ, vì còn nhiều đe doạ khác khủng khiếp hơn nhiều. Phải đặt dịch cúm vào bối cảnh chung với các cường quốc để xem phát triển của Việt Nam thế nào trong tổng thể, để có cái nhìn toàn diện hơn.

“Không cần có dịch cúm thì năm 2020 đã rất đặc biệt với Việt Nam. Dịch cúm là một sự kiện trong chuỗi đặc biệt này, phải nhìn năm 2020 ở tầm bao quát rộng hơn để bình tĩnh lựa chọn con đường phát triển. Với TP. HCM, càng cần phải thoát ra khỏi những vướng mắc đang khiến thành phố bị ngưng trệ, để vì mục tiêu lớn hơn là xây dựng thành phố thành một đô thị hiện đại, đó là kỳ vọng rất lớn của đất nước đang đặt ra cho thành phố đi đầu. Tôi rất chia sẻ với những lo lắng của TP. HCM, nhưng dường như chúng ta đang thiếu bình tĩnh, thiếu những luận cứ", ông Thiên đặt vấn đề với cộng đồng doanh nhân.

Theo ông Thiên, cuộc cách mạng 4.0 đang đặt tất cả trước một tốc độ rất lớn, rủi ro của công nghệ ghê gớm, đó mới là điểm đáng sợ. Muốn đánh giá cho đúng tác động của dịch cúm, phải đánh giá đúng vai trò của nền kinh tế Trung Quốc, để thấy tác động đến thế giới. Ngày xưa nước Anh chỉ là công xưởng của thế giới, còn Trung Quốc bây giờ là đại công xưởng của thế giới. Trung Quốc thăng hoa thì thế giới cũng thăng hoa, vì nó tác động đến 30% tăng trưởng của thế giới, còn Trung Quốc suy sụp thì thế giới cũng suy sụp.

Toàn cầu hoá vẫn tiếp diễn, nhưng cách tiếp cận toàn cầu hoá đã hoàn toàn khác trước. Tổng thống Donald Trump đã thay đổi toàn bộ cách tiếp cận toàn cầu hoá cũ mà Mỹ dựng nên. Việt Nam tiếp cận toàn cầu hoá thế nào khi xu thế toàn cầu hoá thế giới thay đổi? Điều này Việt Nam chưa đặt ra. Mỹ hướng đến song phương, Việt Nam trong điều kiện đang yếu thế này sẽ thế nào khi Mỹ đang đe doạ sẽ trừng phạt Việt Nam?

Trong các biến số phát triển, cách tiếp cận gần nhất với dịch Covid-19 theo vị chuyên gia kinh tế này là phải đặt trong chuỗi xung đột giữa Mỹ - Trung. Xung đột thương mại đã làm cho nền kinh tế Trung Quốc yếu đi rất nhanh, giờ lại thêm dịch Covid-19, Trung Quốc càng yếu đi rất nhiều bởi đòn nhân tạo và thiên tạo. Cả thế giới đang nghiêng về Mỹ trong xung đột này, chứ không chỉ mấy con virus.

"Vì nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc rất sâu sắc, chúng ta đang hò reo lần này là cơ hội thoát Trung, nhưng doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc, nếu cứ chủ quan trời ấm, virus chết sớm, tăng cường xuất nhập khẩu thì những điều nên tránh càng lao tiếp vào, lại tiếp tục chu kỳ lệ thuộc khác còn nặng hơn nhiều. Chúng ta cứ nói: Việt Nam là điểm sáng. Chính phủ nhắc lại một đánh giá nhỏ của Ngân hàng thế giới thôi trong toàn bộ báo cáo dài, nhưng khi đưa lên truyền thông thì tác động mạnh quá, sáng chói loà cả mắt thì rất mệt. Thực chất của sự chói sáng giữa bầu trời tối tăm này như thế nào hay chỉ là sự loé sáng? Nếu không nhận định đúng thì chính sách có thể lại sai lầm", ông Thiên cảnh báo.

Theo ông, biến số quan trọng nhất về kinh tế đối ngoại Việt Nam đang có cảnh báo nghiêm trọng, do đó phải đánh giá sát thực lực và nỗ lực của các thành phần tham gia vào nền kinh tế. Nếu nỗ lực không đúng thì thiệt hại kinh tế sẽ rất nặng. Ví dụ như việc TP. HCM bàn về nghỉ học dài hay khả năng chuyển dịch trung tâm kinh tế thế giới về Ấn Độ là xu hướng mới cực kỳ quan trọng. Phải tính tới điểm bùng nổ khác là Ấn Độ trong tương lai. 

Thông điệp cho 2020: Chẳng phải thoát ai, cứ “thoát ta” là tốt nhất

Đúng giao thừa, Hà Nội sấm sét, mưa đá như trút, ngập đường khiến cho nhiều người lo ngại về một tương lai bất định. Với Việt Nam, nếu căn cứ thực lực, những điều Việt Nam đang có cho đến hết 2019 là rất ổn. Tuy nhiên biến động rất khó lường của thế giới kể cả kinh tế, chính trị, công nghệ, khí hậu… đang đặt ra cho Việt Nam những câu hỏi lớn.

Ông Thiên cho biết những thông tin khiến chúng ta cần có cái nhìn đa chiều hơn: “Tại sao Việt Nam không hạ mục tiêu tăng trưởng? Cách đây mấy ngày ngân hàng thế giới sang làm việc với Việt Nam đã đặt ra câu hỏi 'Việt Nam có thao túng tiền tệ không?'. Tôi có thể khảng định Việt Nam hoàn toàn không thao túng tiền tệ. Tuy nhiên có mấy điểm nghẽn, cách tiếp cận chưa rõ.

Thứ nhất, cách tiếp cận không phải cải cách mà là chỉnh sửa, cơi nới. Tình huống Novaland là điển hình cho cải cách thể chế, chỉ gỡ cho Novaland mà không tháo gỡ được cho tất cả doanh nghiệp bất động sản.

Thứ hai, nền kinh tế số, công nghệ cao, chúng ta đang muốn nhanh, nhưng hạ tầng chưa được định hình. Đô thị thông minh cần hệ thống thể chế khác, các doanh nghiệp công nghệ cao cần chính sách tiếp cận khác hẳn.

Thứ ba, thế giới bất ổn mà chúng ta lại mở cửa lớn nên bất ổn càng cao. Trung Quốc đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19, tuy nhiên 3 năm nay kinh tế Trung Quốc đang cài số lùi. Những học giả lớn nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng Trung Quốc sẽ suy sụp là xu hướng không tránh khỏi, không phải chỉ đến dịch cúm. Dịch cúm chỉ là đòn bồi thêm. Trung Quốc không có động lực tăng trưởng mới, đầu tư bất động sản tạo ra nhiều thành phố ma. Nợ Trung Quốc chiếm 30% GDP, có thể đáng sụp nền kinh tế.

'Chính phủ cần bơm tiền ra thật nhiều để giúp kinh tế phục hồi' 1
Trung Quốc đang gặp khó khăn vì Covid-19

Trong logic phát triển, Trung Quốc mạnh lên là nhờ mở cửa, cách làm Trung Quốc yếu đi là chặn Trung Quốc bán hàng ra ngoài, vì thế những nhà đầu tư vào Trung Quốc phải bật ra, nợ Trung Quốc bắt đầu có chuyện. Ông Trump rất tài tình, đánh vào đúng điểm đó.

Dịch bệnh này khiến người Trung Quốc không đi ra, người bên ngoài không vào. Khả năng phục hồi của nền Trung Quốc sẽ yếu đi. Doanh nghiệp Việt làm ăn với Trung Quốc về chiến lược phải tính cách khác. Chẳng phải thoát ai, cứ “thoát ta” là tốt nhất, doanh nghiệp phải chủ động thoát khỏi lề lối cũ của mình, tạo áp lực cho Chính phủ thay đổi.

Với Mỹ, kỳ bầu cử Tổng thống này ông Trump sẽ không dại gì để làm xấu hình ảnh nước Mỹ. Cơ hội đó sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị năng lực, tiếp nhận cơ hội này để hành động. Chính phủ tăng cường cải cách vĩ mô, củng cố thể chế.

Yếu tố mới 2020 đang thách thức rất lớn như hạn mặn cả nước và nguy cơ đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính phủ có hào hứng kiểu gì cũng phải nhớ thách thức này.

Tình huống Novaland khiến cho chúng ta thấy rõ rủi ro thể chế khiến cho TP. HCM dừng lại, Đà Nẵng vỡ, doanh nghiệp càng lớn thì rủi ro càng lớn, chỉ cần 1 lệnh của thanh tra chính phủ hoặc thành phố là thị trường dừng lại hết, nguy cơ rất lớn.

Ngân sách thất thu, mà chi nhiều hơn. Riêng mảng bia rượu Nhà nước mất khoảng 30 ngàn tỷ đồng, nhà hàng đóng cửa, thuế giảm đi, việc làm mất đi rất nhiều. Nghị định 100 không khéo sẽ làm cho thị trường suy giảm. Nói nghị định này nhằm tới số uống rượu lái xe, nhưng tác động chung thế nào? TP. HCM nên đo lường ảnh hưởng của nghị định này.

Về hội nhập, dòng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển rất lớn vào Việt Nam, cơ hội biến thành thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và Chính phủ, vì chúng ta chưa chuẩn bị tốt để đón tiếp họ.

Vẫn biết trong nguy có cơ, nhưng để tính toán về tác động dịch bệnh đối với kinh tế Việt Nam nặng đến mức nào còn rất nhiều tranh cãi. Cuộc họp hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ có hai nhóm ý kiến, một phía cho rằng đừng quá lo về dịch, không đụng đến nền tảng của sự tăng trưởng, chỉ 1-2 tháng kinh tế sẽ phục hồi.

Nhóm thứ hai nhìn trong tổ hợp, xu hướng: Phải nhìn nền kinh tế Trung Quốc đi đến đâu để nhìn nhận năng lực chống chọi của nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế thị trường quan trọng là những luồng vốn chạy trong mạch máu. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết nhiều doanh nghiệp dệt may nếu dịch bệnh kéo dài 1 tháng nữa sẽ không chịu nổi. Tác động dịch là rất mạnh, có thể kéo dài, trong khi sức chống chọi nền kinh tế của ta rất yếu. 

Việt Nam rất giỏi chống dịch nhưng cách chống chịu kinh tế trước những thách thức đứt chuỗi thì chưa có lời giải. Vì chúng ta toàn lệ thuộc nước ngoài, nông nghiệp đầu ra phụ thuộc nước ngoài là chính, công nghiệp đầu vào phụ thuộc nước ngoài là chính.

Chuyện nghỉ học cũng 2 luồng ý kiến khác nhau. Không nước nào cho học sinh nghỉ học nhiều như Việt Nam, trong khi trường học không phải là nơi tập trung truyền dịch. Nhà tôi cũng bị đứt chuỗi do chẳng ai đi làm được vì osin nghỉ. Mạch lao động đứt khâu nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Việc đề xuất nghỉ học thêm gây hệ luỵ rất lớn, cần phải có cơ sở khoa học đánh giá một cách chính xác”, ông Thiên phân tích. 

Đề xuất những hành động cần làm ngay với Chính phủ, ông Thiên kiến nghị: “Chống dịch phải được coi giải pháp hàng đầu để cải cách hành chính và bảo vệ tăng trưởng thành công, thay đổi cấu trúc phát triển, giúp Việt Nam thay đổi cấu trúc du lịch. Đừng coi chống dịch chỉ là giải pháp, đừng tiếc tiền, để tăng uy tín Việt Nam lên…

Gợi ý về phương pháp luận, phải đặt ra câu hỏi chiến lược là nền kinh tế Trung Quốc yếu đi tạo ra cơ hội nhiều hơn hay thách thức nhiều hơn cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam? Chúng ta thế chân, thay vào chuỗi của họ, mở ra thị trường khác đi, đó là cơ hội.

Hành động cơ bản của Chính phủ trong đại dịch này là tập trung vào tài khoá, rải tiền ra cho xã hội. Lúc ngân sách bội thu Chính phủ phải chi tiêu ít đi, nhưng lúc nền kinh tế trục trặc thì chi tiêu phải nhiều lên. Dự án công Chính phủ phải bỏ tiền ra, đó là giải pháp ngân sách nghịch chu kỳ căn bản. Hơn lúc nào hết Chính phủ cần bơm tiền ra thật nhiều để giúp kinh tế phục hồi. Đó là giải pháp cơ bản mà chúng tôi đang nỗ lực đề xuất. 

Sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực sự, tiền này sẽ chảy vào khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt phải được khen, khuyến khích bằng những lợi ích mang lại, lúc đó sẽ có cạnh tranh bằng những công trình tốt. Đó là giải pháp thể chế cấp bách cần làm ngay. Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường, thậm chí là phi thường. Tôi mong muốn TP. HCM phải đi đầu trong việc xây dựng những giải pháp phi thường này”. 

Nguồn: theleader.vn

Chat qua zalo