Chủ động xây chiến lược phát triển kinh tế từ gốc
Ngày:28/02/2020 02:25:19 CH
Địa phương mạnh thì quốc gia mới phát triển mạnh
Chia sẻ về mục đích chuyến đi của đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng, chúng ta đang ở thời điểm vô cùng quan trọng để đánh giá lại chặng đường đã qua, đồng thời định hình tương lai phát triển phía trước. “Vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam giờ đã khác, đã đến lúc chúng ta có thể chủ động quyết định tương lai của mình, xem cần phải bắt đầu từ đâu, đi như thế nào và bao giờ thì đến đích”, Bộ trưởng nói.
Vì chủ động quyết định tương lai của chính mình, nên ngay từ năm ngoái, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cùng các thành viên Tổ Biên tập
Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đã sang Mỹ, tới Pháp, tới Estonia… để tham khảo các mô hình, các bài học kinh nghiệm phát triển của quốc tế. Và bây giờ, bắt đầu tới các địa phương để lắng nghe ý kiến đóng góp vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lắng nghe nhu cầu đầu tư công trung hạn để chuẩn bị xây kế hoạch cho giai đoạn tới.
“Chúng tôi cũng sẽ góp ý với các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển, bao gồm cả kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm sao để hỗ trợ các vùng, các địa phương phát triển mạnh mẽ, bứt phá lên được”, Bộ trưởng nói.
Địa phương mạnh thì quốc gia mới phát triển mạnh được. Vì thế, đây chính là cách làm chiến lược từ “gốc”, từ địa phương. Các chuyến đi như trên sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, với mục đích hoàn thiện một cách tốt nhất các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới. Có đường đi đúng, Việt Nam sẽ nhanh đến đích hơn.
Hạ tầng phải đi trước một bước
Hạ tầng cơ sở chính là một trong 3 đột phá chiến lược của Chiến lược Phát triển kinh tế 10 năm 2011 - 2020. Vì vậy, không quá khó hiểu vì sao, trong bất cứ cuộc làm việc nào với các địa phương, lịch trình đầu tiên của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng là tới thị sát các dự án đầu tư hạ tầng. Và đề xuất hỗ trợ đầu tiên của các địa phương tới cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ cũng là về các dự án hạ tầng.
Dự án Hồ chứa nước Ngòi Giành (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, Phú Thọ) là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Phú Thọ, nhất là các huyện Yên Lập, Cẩm Khê và Thanh Ba. Với vốn đầu tư 1.279 tỷ đồng, Dự án được xây dựng với mục tiêu chủ động cấp nước tưới cho gần 7.700 ha đất canh tác, cũng như nước sinh hoạt cho 160.000 người, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu lũ ống, lũ quét, ổn định đời sống cho nhân dân 35 xã khó khăn thuộc các chuyện Yên Lập, Cẩm Khê và Thanh Ba…
Dự án đang được triển khai đúng tiến độ, nhưng cái khó hiện nay là còn thiếu khoảng 300 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Vì vậy, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, ông Bùi Minh Châu bày tỏ mong muốn rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn về vốn đối ứng của tỉnh, làm sao để Dự án có thể sớm hoàn thành, tích nước và đưa vào vận hành đúng tiến độ vào đầu năm 2021.
Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang có một danh mục khá dài các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông mong muốn được triển khai. Đó là Dự án đường từ TP. Tuyên Quang với Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, kết nối với Quốc lộ 37 đi Yên Bái, quy mô khoảng 1.100 tỷ đồng; hay Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37 và Quốc lộ 2C kết nối với tỉnh Thái Nguyên…
Với tỉnh Hà Giang, các dự án tuyến đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ như Bắc Quang - Xín Mần, Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc… đã được nhắc tới. Trong 3 địa phương trên, Hà Giang khó khăn hơn cả, khi không thuận lợi về giao thông, không đường thủy, không đường sắt, chỉ có đường bộ, lại là đường độc đạo. Thấu hiểu điều đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, hạ tầng phải đi đầu, làm sao giai đoạn tới đây, phải rút ngắn được khoảng cách giữa Hà Giang với các vùng.
Rút ngắn khoảng cách với các vùng, thêm đường kết nối với các địa phương lân cận, cũng như nội tỉnh là bài toán của không chỉ Hà Giang, Tuyên Quang, hay thậm chí là Phú Thọ, vốn được cho là có hạ tầng giao thông khá thuận lợi. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các địa phương phải có lựa chọn ưu tiên đầu tư. Chẳng hạn, với tuyến đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, trước mắt, Hà Giang nên ưu tiên lựa chọn đầu tư 80 km đầu tiên từ IC14 tới Bắc Quang, lựa chọn phân kỳ đầu tư; 70 km sau, có thể kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư khác.
Bài toán ngược và câu chuyện tìm đột phá
Có một câu hỏi chung mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận được từ lãnh đạo cả 3 địa phương trên, đó là tới đây, tỉnh nên tập trung vào các đột phá chiến lược nào?
Ông Bùi Minh Châu cho biết, mục tiêu của tỉnh Phú Thọ là đến năm 2030, trở thành trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thậm chí đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế năng động, sáng tạo, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ, thành phố hiện đại thông minh.
Trong khi đó, Tuyên Quang chỉ xác định xây dựng kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá và tập trung vào các đột phá chiến lược là đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển hạ tầng giao thông và đô thị động lực, phát triển sản xuất theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng và giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, điều khiến Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm băn khoăn, đó là nếu như hai đột phá đầu tiên được tỉnh chắc chắn và quyết tâm làm, thì đột phá thứ ba có nên không, hay là lựa chọn thành “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư”. “Chúng tôi đang chưa biết nên chọn đột phá nào”, ông Lâm nói và thực tâm muốn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tư vấn.
Còn với Hà Giang, rất rõ ràng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, tỉnh lựa chọn đột phá ở phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics, phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm nông sản đặc thù…
Còn một điểm chung của cả 3 địa phương này, đó là đặt ra một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, nhất là liên quan đến thu nhập bình quân đầu người. Tuyên Quang chỉ đặt mục tiêu 60 triệu đồng/người vào năm 2025. Con số này ở Hà Giang chỉ 50 triệu đồng/người.
“Phải đặt mục tiêu ít nhất bằng mục tiêu bình quân cả nước đạt được vào các năm 2025 - 2030”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng, trong xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn tới, các địa phương phải biết cách xây dựng “bài toán ngược”, tức là đặt ra các mục tiêu phát triển đột phá, về tăng trưởng GRDP, về thu nhập bình quân đầu người…, rồi đưa ra giải pháp để thực hiện mục tiêu đó, thay vì chỉ xây dựng bài toán xuôi, là mỗi năm đạt bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu…
“Đặt mục tiêu đột phá thì sẽ có động lực để phát triển mạnh mẽ, chứ như những năm vừa qua, dù về cơ bản vẫn đạt và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, song chưa có sự đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Bộ trưởng đã “bày kế” rằng, các địa phương phải tập trung xây dựng thật tốt quy hoạch phát triển trong thời kỳ tới, có thể thuê cả tư vấn nước ngoài, đồng thời tập trung thu hút đầu tư, nhất là với các nhà đầu tư chiến lược, các dự án trọng điểm, có tác động dẫn dắt, lan tỏa. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và rất quan trọng, là phát triển hạ tầng cơ sở.
Quan tâm sinh kế cho người dân
Ngoại trừ Phú Thọ có điều kiện phát triển khá hơn, song nhìn chung, cả ba địa phương Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang đều có kinh tế - xã hội còn khá khó khăn. Tuy nhiên, chia sẻ các chiến lược phát triển của các địa phương này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục tiêu của các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc phải là an ninh và an sinh, phải giữ rừng, giữ đất và giữ dân.
Thậm chí, với tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng băn khoăn rằng, có nên đặt phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu hay không? “Tôi mạnh dạn góp ý là, Hà Giang phải làm được 3 việc là giữ đất, giữ rừng, giữ dân. Đây là những vấn đề cốt lõi với các tỉnh miền núi, sau đó mới đến phát triển kinh tế, chứ không phải đặt phát triển kinh tế lên hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bởi thế, quan tâm sinh kế cho người dân, ở cả ba tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang mới chính là điều mà Bộ trưởng đặc biệt quan tâm.
“Dù chọn đột phá chiến lược nào, thì mục tiêu cuối cùng phải làm sao để người dân có sinh kế, có việc làm để nâng cao thu nhập. Đấy mới là mục tiêu cuối cùng, là nhiệm vụ trọng tâm, còn những cái khác chỉ là công cụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh như vậy với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, song điều này có ý nghĩa với cả Phú Thọ, đặc biệt là Hà Giang, nơi mà người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Trong quá trình làm việc tại các địa phương này, Bộ trưởng rất vui mừng nhận thấy, có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện tốt việc này. Chẳng hạn, HTX Bưởi Xuân Thủy (Phú Thọ) có 23 hộ xã viên, thu nhập bình quân 380 triệu đồng/năm. Hay các công ty chăn nuôi bò và chế biến sữa Hồ Toản, Công ty Woodsland ở Tuyên Quang, Trung tâm công nghệ cao giống cây trồng và dược liệu Hà Giang… Khi các mô hình này được nhân rộng, thì người dân sẽ được đảm bảo sinh kế.
Và khi ngay cả ở những địa phương khó khăn như vậy, sinh kế, thu nhập của người dân được đảm bảo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì đó là cái gốc quan trọng để kinh tế Việt Nam phát triển.
Nguồn: baodautu.vn