Chuyến đi siêu dài của container phân bón từ Trung Quốc sang Mỹ
Ngày:02/09/2021 11:23:07 SA
Được đặt hàng từ Mỹ hơn nửa năm, một container phân bón vẫn đang mắc kẹt ở Thượng Hải, là ví dụ về điển hình của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở đâu đó tại cảng Thượng Hải sầm uất nhất thế giới, một container phân bón nằm lẫn giữa hàng chục nghìn container, đang chờ được sang Mỹ. Nó đã nằm đợi ở bến cảng trong nhiều tháng, bị mắc kẹt bởi bão và các đợt bùng phát Covid-19, khiến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một nghiêm trọng. Nó đã kẹt ở đây từ tháng 5, nhưng chỉ mới là một điểm dừng trong hành trình dài từ miền Trung của Trung Quốc đến miền Trung Tây của Mỹ.
Thời gian giao hàng thông thường của nó vốn chỉ mất vài tuần, nay kéo dài đến hơn nửa năm. Khả năng chậm trễ có thể còn tăng, vì nhiều hàng hóa vẫn nằm chờ ngày được bắt đầu chuyến đi dài khoảng 15.000 km. Đây là ví dụ khiêm tốn về hành trình gian khổ của một container. Nhưng câu chuyện này có thể gợi lên suy nghĩ về các thách thức đã kìm hãm thương mại toàn cầu trong thời kỳ đại dịch.
Một góc cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải
Từ nhà máy
Câu chuyện về container phân bón amoni photphat bắt đầu vào tháng 2/2021, tại trung tâm nông nghiệp của miền Trung Tây nước Mỹ. Đó là khi một nhà cung cấp cho nông dân ở Illinois (Mỹ) quyết định đặt hàng 8 container phân bón từ các nhà máy ở miền Trung của Trung Quốc. Steve Kranig, Giám đốc hậu cần của IM-EX Global cho biết, một lô hàng như thế này thường sẽ đến Chicago vào tháng 4, đúng lúc để nông dân sử dụng trong vụ mùa.
Nhưng đến tháng 5, còn một container vẫn nằm ở Trùng Khánh, cách Thượng Hải 2.400 km về phía tây, nơi nó được sản xuất. Nguyên nhân là thiếu container rỗng để vận chuyển. Các thùng rỗng từ Mỹ và châu Âu đã quay lại Trung Quốc nhỏ giọt do các cảng ở nơi đó thiếu nhân viên và thiết bị để giải tỏa kịp hàng hóa.
Ông Kranig đã mất hàng tháng để tìm được container. Cuối cùng, phân bón đã được đóng và đưa lên các tàu sà lan trên sông Dương Tử. Hành trình của nó chỉ mới bắt đầu.
Trên dòng sông
Chuyến đi xuống tuyến đường thủy nội địa nhộn nhịp nhất Trung Quốc mất 8 ngày. Chiếc container này rất may mắn vì nó đã được vận chuyển trước mùa bão. Những chiếc khác gần đây không được may mắn như vậy.
Giao thông trên sông Dương Tử, nơi đạt kỷ lục 2,93 tỷ tấn hàng hóa đi qua trong năm 2019, đã bị ảnh hưởng khi những đợt thời tiết khắc nghiệt tràn qua Trung Quốc vào mùa hè này. Nhà chức trách đã phải đóng cửa sông trong các cơn bão, tạo ra tình trạng tồn đọng nghiêm trọng tại các cảng của Trung Quốc, khiến các tàu phải chờ nhiều ngày để đi lại.
Mặc dù chuyến hàng tránh được mọi thảm họa lũ lụt, nhưng nó không thể thoát khỏi chi phí vận chuyển cao, do giá cước vận chuyển đã tăng vọt trên các tuyến dọc theo sông Dương Tử. Ngoài nhu cầu hàng hóa cao khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, sự khan hiếm tàu thuyền đang đẩy giá lên cao hơn. Nguyên nhân bởi các hãng tàu đang dùng các tàu ven biển nhỏ để đi ra xa hơn, nhằm tận dụng doanh thu từ các tuyến đường dài như xuyên Thái Bình Dương.
"Có một lượng hạn chế các container lưu thông trên tuyến sông Dương Tử và một số công ty đang trả nhiều tiền nhất để lấy bất kỳ container nào có sẵn để không phải chật vật chuyển hàng đến Thượng Hải qua các tuyến đường không thủy (đường bộ, đường sắt hay hàng không)", Kranig nói. Cuối cùng, container chứa các thùng phân bón đã đến Thượng Hải vào ngày 27/5. Một chiếc xe tải chở nó đến cảng bận rộn nhất thế giới.
Tại cảng biển
Kranig không chắc tại sao một container vẫn bị mắc kẹt ở Thượng Hải trong khi 7 container khác của lô hàng đã tìm được đường đến Chicago. Ông nghi ngờ sự hỗn loạn ở các cảng Trung Quốc là yếu tố chính. Đại dịch đã khiến vận chuyển hàng hóa trở nên biến động trong hơn một năm rưỡi qua, với Trung Quốc trở thành điểm nghẽn lớn.
Cảng Diêm Điềm ở Thâm Quyến đã bị đóng cửa vào tháng 5, do một đợt bùng phát dịch, gây ra tắc nghẽn cho toàn bộ bờ biển phía đông, và lan tỏa trên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tháng này, việc vận chuyển cũng phải chuyển hướng khỏi Ninh Ba, cảng container đông đúc thứ ba trên thế giới, sau khi một nhân viên có kết quả dương tính với Covid-19.
Bão và thời tiết khắc nghiệt đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Vào tháng 7, chiếc container bị mắc kẹt ở cảng đã phải đối mặt với cơn bão In-Fa, đóng cửa Thượng Hải và các cảng lân cận khác trong khoảng 4 ngày. Glenn Koepke, Phó chủ tịch cấp cao của FourKites, một nhà cung cấp thông tin chuỗi cung ứng, cho biết sự chậm trễ có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại trong những tuần tới nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn.
Hiện tại, container không may mắn này vẫn bị mắc kẹt giữa các đống container ở cảng, bị chôn vùi như trong cảnh cuối cùng của "Raiders of the Lost Ark" (Indiana Jones và chiếc rương thánh tích). Bộ phim có kết thúc là chiếc rương được niêm phong trong một thùng gỗ, được cất giữ trong một nhà kho chính phủ khổng lồ bên cạnh vô số chiếc thùng khác.
Đường đến Mỹ
Trong tương lai, container "bất hạnh" này cuối cùng cũng sẽ được vận chuyển đến Mỹ, nhưng rủi ro vẫn đang chờ nó. Thái Bình Dương có thể là một con đường nguy hiểm cho các thuyền trưởng nếu muốn chạy đua đúng thời gian. Và khi hàng hóa đến bờ biển Bắc Mỹ an toàn, sẽ có nhiều vấn đề đau đầu hơn đang chờ đợi.
Cửa ngõ thương mại lớn nhất của Mỹ với châu Á đã bị tắc nghẽn với nhiều tàu container đến nhất trong hơn sáu tháng. Đầu tháng này, 35 con tàu đã neo đậu chờ bến bên ngoài hai cảng Los Angeles và Long Beach, California. Vì dự phòng, nhiều tàu đang được chuyển hướng đến Vancouver. Tiếp theo là hành trình nội địa. Có thể mất thêm một đến ba tháng nữa để container đi từ cảng Bờ Tây đến Chicago bằng đường sắt hoặc xe tải.
Chuyện về container mắc kẹt này dường như là một cơn ác mộng nếu bất kỳ ai gặp phải khi tham gia vào thương mại toàn cầu. Nhưng Kranig vẫn phải tiếp tục đặt hàng cho đơn mới, thêm 8 container nữa để chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ.
Sư chậm trễ đang tiếp tục lặp lại. Một lần nữa, không có container nào sẵn sàng ở Trùng Khánh. Vì vậy Kranig quyết định bỏ qua đường sông. Ông thuê xe tải để chở phân bón đến một nhà kho ở Thượng Hải. Đến nay, lô hàng mới đã được đóng vào các container. Một số đã được đưa đến cảng Ninh Ba trong tháng này. Tuy nhiên, lại có tin tức rằng một phần của cảng Ninh Ba đã phải đóng cửa vì một công nhân bị nhiễm virus. "Đó là một trận chiến khó khăn", Kranig nói.
Từ Mỹ đến Sudan hay Trung Quốc, các container nằm la liệt tại bến cảng và nhà kho khi đại dịch hoành hành. Trong một ngành công nghiệp với 25 triệu container và khoảng 6.000 con tàu vận chuyển chúng, rất dễ nhận thấy sự gián đoạn sẽ là một vấn đề đau đầu lớn đối giới vận tải biển. Mỗi thùng hàng bị trì hoãn đều tạo ra tác động kinh tế. Người tiêu dùng sẽ tốn kém hơn, việc mua sản phẩm hay tặng quà cho nhau trong ngày lễ cũng có khó khăn hơn.
Bloomberg bình luận, đây cũng là một bài học về những tác động lan tỏa trên các chuỗi cung ứng toàn cầu, cho thấy giới hạn của việc đa dạng hóa, khi tất cả các mạng lưới vẫn kết nối chặt chẽ với Trung Quốc.
"Mọi con đường đều dẫn về Trung Quốc và điều đó ảnh hưởng lớn đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Tình trạng tắc nghẽn tại một cảng hoặc nhà máy có tác động sâu rộng đến các cơ sở lân cận, vốn chảy ra khắp thế giới", Dawn Tiura, người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp Nguồn cung ứng tại Mỹ, đánh giá.