Cơn khát nhà xưởng xây sẵn cho Nhà đầu tư nước ngoài
Ngày:12/03/2022 06:05:58 CH
Những tên tuổi thuộc 'hàng khủng' như Tập đoàn Lego, Tập đoàn dược Sri Avantika… gần đây cam kết đầu tư cả chục tỷ USD vào Việt Nam với điều kiện cần là phải được sắp xếp sẵn hạ tầng nhà xưởng cho thấy đây sẽ là lĩnh vực cực hút vốn trong thời gian tới.
Việt Nam, điểm sáng thu hút FDI
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 địa phương trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với mức vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư cả nước và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thái Nguyên mặc dù không thu hút được dự án mới, song với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, địa phương này xếp thứ hai về thu hút vốn FDI với gần 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Nghệ An, Long An…
Xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung đầu tư tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội…, trong đó TP.HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (38,5%), số lượt dự án điều chỉnh (13,4%) và điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (67,3%).
Cũng theo thống kê trên, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng qua. Trong đó, Singapore dẫn đầu với mức vốn đầu tư đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư và giảm 12% so với cùng kỳ 2021; Trung Quốc đứng thứ 3 với gần 538 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư và giảm 29,3% so với cùng kỳ; tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan…
Nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp nhất (chiếm 16,9% số dự án mới, 35,9% số lượt điều chỉnh và 36% số lượt góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp).
Một số dự án đầu tư lớn trong 2 tháng đầu năm 2022 có thể kể đến là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) tại Thái Nguyên, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD; dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông, Trung Quốc) tại Bắc Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD...
Trước đó, ngày 8/12/2021, Tập đoàn Lego - ông vua trong ngành sản xuất đồ chơi trẻ em quốc tế - đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Dự kiến dự án sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022.
Còn ở dạng tìm hiểu cơ hội đầu tư để có thể sớm ký kết hợp đồng, ngày 15/2/2022 vừa qua, Sri Avantika Contractor Limited - doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực phát triển hạ tầng công viên dược và khu công nghiệp công nghệ cao - đã làm việc với chính quyền tỉnh Hải Dương về việc đầu tư dự án Công viên Dược quốc tế tại Hải Dương có quy mô 960 ha, giá trị kinh phí đầu tư từ 10-12 tỷ USD.
Cả hai ông lớn này đều có điểm chung là ưu tiên phối hợp với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp lớn hiện hữu tại Việt Nam để có được lợi thế lựa chọn vị trí và nhà xưởng xây sẵn, trong khi Lego hợp tác với VSIP thì Sri Avantika Contractor Limited “chấm” Tập đoàn Phát triển khu công nghiệp - đô thị Đại An để ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Sản phẩm nhà xưởng xây sẵn đang được khách thuê săn đón.
Xác định khẩu vị khách thuê
“Ngay từ đầu năm 2022, cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó nhà xưởng xây sẵn là sản phẩm rất được quan tâm”, ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) hào hứng kể.
Theo ông Nghĩa, hiện có 3 nhóm khách hàng đang ráo riết săn lùng sản phẩm này, một là các khách thuê đến từ châu Âu và Mỹ với thói quen thuê nhà xưởng có sẵn để đặt nhà máy, chứ không thích đầu tư xây mới; hai là các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm quỹ đất phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như linh kiện điện tử, ô tô…; ba là các nhà đầu tư lĩnh vực hàng tiêu dùng trong nước có kế hoạch mở rộng sản xuất trở lại.
“Nhiều tập đoàn đa quốc gia có ‘chân rết’ tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát, tìm kiếm địa điểm thuê từ cuối năm 2021, còn các doanh nghiệp mới có thể sẽ khảo sát điểm thuê trên diện rộng sau ngày 15/3/2022, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/2/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế đến ngày 20/2/2022, cả nước có 34.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 418,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 254,3 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Ông Phạm Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu bất động sản công nghiệp đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam đánh giá, cơ hội đang rộng mở với các chủ đầu tư khu công nghiệp khi bất động sản công nghiệp còn nhiều dư địa tăng giá do nguồn cung còn khan hiếm và doanh nghiệp có sẵn mặt bằng với hạ tầng hoàn chỉnh sẽ chiếm lợi thế lớn nhất. Thậm chí, các dự án đang trong giai đoạn phát triển cũng được quan tâm từ các nhà đầu tư chiến lược với nhu cầu mặt bằng quy mô lớn, đặc biệt là hoạt động logistics tại các khu vực trọng điểm.
Còn ông Phạm Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc An Phát Holdings, kiêm Tổng giám đốc An Phát Complex dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu khách thuê sẽ tăng mạnh, bao gồm cả đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn.
Ông Tuấn cho biết, đến nay, An Phát Complex ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về mức độ quan tâm của khách thuê ngoại nhờ các chính sách mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Hải Dương nói riêng, việc mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông tại miền Bắc và cả nước nói chung.
“Số lượng khách hàng đã đặt lịch hẹn sang thăm và làm việc trực tiếp đã tăng mạnh sau thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng tạo cơ hội mới cho lĩnh vực bất động sản kho vận. An Phát Complex nhận thấy nhu cầu đối với kho xưởng xây sẵn tăng rất nhanh kể từ đầu năm 2022”, ông Tuấn nói và chia sẻ thêm rằng, sở dĩ nhiều khách hàng lựa chọn nhà xưởng xây sẵn để có thể triển khai sản xuất ngay, nhằm nhanh chóng nối liền những đứt gãy cung – cầu, chớp cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong giai đoạn hậu dịch bệnh.