Công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long lần đầu tiên
Ngày:14/12/2020 10:48:29 CH
Đây là Báo cáo kinh tế vùng đầu tiên của cả nước, và là báo cáo kinh tế phân tích sâu sắc, toàn diện về miền Tây tính đến thời điểm hiện nay.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 được công bố vào chiều hôm nay (ngày 14 tháng 12) tại Cần Thơ.
Công trình nghiên cứu này được hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn 01 năm thực hiện, là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.
Trong thập niên qua, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu đến các vấn đề bên trong như: chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng… là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt.
Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.
Về mặt xã hội, chất lượng giáo dục không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ bỏ học cao và trình độ học vấn của người dân khá thấp. Lợi thế của các tỉnh Tây Nam bộ là địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa… nay đã không còn nữa do tác động từ thiên tai và con người. Những thế mạnh khác trước đây đã tạo được qua nỗ lực cải cách, cải thiện trong công tác điều hành kinh tế địa phương nay cũng đang mất dần so với các vùng kinh tế khác. Những thách thức và hạn chế trên đang đẩy vùng đồng bằng này vào tình thế hết sức nan giải và rất cần một nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện.
Nội dung Báo cáo bao gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; Năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của Vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics.
Từ những phân tích trên, Báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, kinh tế ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đều chịu sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là dịch Covid-19. Riêng đối với ĐBSCL, do hoạt động công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, du lịch chủ yếu phục vụ khách trong nước nên tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế ĐBSCL được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với các trung tâm công nghiệp, thương mại, và du lịch của cả nước.
Tuy vậy, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và có thể kéo dài, ĐBSCL sẽ có thể phải đối diện một số hệ lụy tiêu cực, xuất phát từ vai trò thù cũng như cấu trúc nội tại của vùng. Vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, việc ngừng xuất khẩu gạo có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Chính sách này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá thu mua nông sản và sinh kế của người dân ĐBSCL.
Về chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Chi phí logistics vốn đã bị đánh giá là cao so sẽ tăng thêm do phát sinh chi phí liên quan đến an toàn phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra làn sóng hồi hương của người ĐBSCL đang lao động ở Đông Nam Bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng. Cùng với dịch bệnh, tình trạng hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế - xã hội trở nên bấp bênh, gánh nặng về tâm lý và kinh tế đối với cả doanh nghiệp, người dân và chính quyền trong vùng ngày càng lớn.
Một vấn đề rút ra từ nghiên cứu là vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP.HCM thì vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay. Góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TPHCM và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
Di dân là câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL. Tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ đáng báo động. Kết quả là so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, và do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009 – 2019.
Báo cáo cũng nhận thấy thành tích nổi bật của ĐBSCL trong hai thập niên trở lại đây đó là kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ ở ĐBSCL đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016, và tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ nghèo của ĐBSCL luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước chứng tỏ lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi, và người nghèo cũng đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng.
Những kết luận rút ra từ nghiên cứu này là hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng ... Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Từ những kết luận và tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, báo cáo nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị mang tính tổng kết, đặc biệt gợi ý mô hình phát triển mới cho kinh tế ĐBSCL với 15 luận điểm được thiết lập mang đến cho độc giả những góc nhìn mới để định hình lại câu chuyện phát triển kinh tế ĐBSCL.
Phát biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, đây là Báo cáo kinh tế vùng đầu tiên của cả nước, và là báo cáo kinh tế phân tích sâu sắc, toàn diện về miền Tây tính đến thời điểm hiện nay. Ông Lộc hy vọng rằng đây là báo cáo điển hình, kiểu mẫu đưa ra chương trình tổng thể thúc đẩy phát triển ĐBSCL trong thời gian tới, góp phần giải tỏa điểm nghẽn, khai thác tiềm năng của vùng.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng gợi ý, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo hôm nay, cần hoàn thiện thêm Báo cáo để có thể tổ chức Diễn đàn kinh tế ĐBSCL vào đầu năm 2021, đồng thời xem xét có thể thành lập Hội đồng tư vấn phát triển vùng ĐBSCL gồm các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp...